Theo đó, thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)... đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả; đồng thời triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/07/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm gàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Toàn lực lượng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đặc biệt đối với mặt hàng gạo nhằm góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.
Tổng cục tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ và các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường đối với mặt hàng gạo.
Được biết, thời gian qua, các Cục Quản lý thị trường địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng gạo, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình như trong tháng 9/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Mỏ Cày Nam do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre chủ trì đã phát hiện, tạm giữ 29,4 tấn gạo Ấn Độ tại một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn để tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, để ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các Cục Quản lý thị trường địa phương cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tiến Hoàng