Kinh tế thế giới 7 tháng đầu năm tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cạnh tranh giữa các nước lớn. Nguy cơ suy thoái sâu tại các nền kinh tế lớn ngày càng rõ nét (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…). Với thực trạng kinh tế thế giới và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, phần lớn các chuyên gia và tổ chức quốc tế cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu có nguy cơ xảy ra trong khoảng 12 tháng tới và ở cấp độ nguy hiểm hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất kinh doanh (cả phía cung và cầu) bị đình trệ do tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai trở lại khi các nước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong nước, sau hơn một tháng tái khởi động lại nền kinh tế và sau 99 ngày không có dịch, nước ta bắt đầu ghi nhận các ca mắc Covid-19 trở lại tại một số tỉnh, thành phố sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.
So với tháng 7/2019, ngoại trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 0,8% thì các nhóm hàng còn lại đều sụt giảm. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 9,9% so với tháng 7/2019, đạt 2,01 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm ở hầu hết các mặt hàng như: Thủy sản giảm 1,3%; rau quả giảm 1,8%; hạt điều giảm 23,2%; cà phê giảm 12,1%; hạt tiêu giảm 16,2%; chè các loại giảm 13,8%; gạo giảm 29,7%; cao su giảm 7,1%. Trong khi đó, sắn và sản phẩm từ sắn là mặt hàng duy nhất trong nhóm này ghi nhận sự tăng trưởng, tăng 13,5% về lượng và 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm mạnh 46,3% so với tháng 7/2019, chỉ đạt 187 triệu USD trong tháng 7/2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô - mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm này giảm 33,5%, đạt 109 triệu USD. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 59,1%, xăng các loại giảm 68,3%.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến dù chưa thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn, với mức tăng 2,5% so với tháng 6/2020 và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,5%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 30,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,7%, sắt thép các loại tăng 18%...
Mặc dù vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các đơn hàng sụt giảm bởi dịch Covid-19 như: Điện thoại các loại giảm 7,1% so với tháng 7/2019; hàng dệt và may mặc giảm 8,9%; giày dép các loại giảm 13,6%; xơ, sợi dệt các loại giảm 22,4%, túi xách, vali, mũ, ô dù giảm 11%...
Tính chung kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.
Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, hầu hết xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
PV