Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng năm 2022 đạt gần 32,3 tỷ USD

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 1/8 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với 7 tháng năm 2021.

Tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng 7/2021, giảm 2,0% so với tháng 6/2022; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 2,0 tỷ USD, lâm sản chính ước trên 1,4 tỷ USD, thủy sản đạt 965 triệu USD và chăn nuôi đạt 42,1 triệu USD.

Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%.

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

7 tháng đầu năm, đã có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD (cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 7,0%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9,0%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%), phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần).

Những mặt hàng giảm gồm, nhóm hàng rau quả đạt trên 1,9 tỷ USD (giảm 16,1%), hạt điều ước đạt gần 1,8 tỷ USD (giảm 10,4%), sản phẩm chăn nuôi đạt 225,6 triệu USD (giảm 11,6%); dù giá trị xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,2% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 6,9% với giá trị trên 6,9 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,4% thị phần), châu Mỹ (29,3%), châu Âu (11,9%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,6%).

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong bảy tháng, chiếm 26,8%, đạt gần 8,7 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu trên 5,7 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản trên 2,3 tỷ USD, chiếm 7,2%; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc đạt trên 1,5 tỷ USD, chiếm 4,7%.

Xét theo khu vực, châu Á là thị trường xuất khẩu chiếm thị phần lớn nhất với 42,4%, tiếp đến là châu Mỹ 29,3%, châu Âu 11,9%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,6%.

Xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%; duy chỉ có xuất khẩu chăn nuôi là giảm 11,6% (ước đạt 225,6 triệu USD).

Nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tính chung 7 tháng ước trên 26 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó nhập khẩu thủy sản, lâm sản chính, nhóm đầu vào sản xuất tăng còn nhập khẩu nông sản chính và sản phẩm chăn nuôi giảm. Argentina, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng qua.

PV