Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 270,82 tỷ USD sau 5 tháng đầu năm 2024

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 31,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2024 đạt 270,82 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 38,87 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 182,8 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 22,29 tỷ USD). Trong kỳ 1 tháng 5/2024, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,63 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 6,36 tỷ USD.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đạt 270,82 tỷ USD sau 5 tháng đầu năm 2024.  
Kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đạt 270,82 tỷ USD sau 5 tháng đầu năm 2024.  

Về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 14,64 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 1,28 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2024. Nguyên nhân do xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực suy giảm như sắt thép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,16 tỉ USD, tương ứng tăng 34,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,87 tỉ USD, tương ứng tăng 12,8%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,45 tỉ USD, tương ứng tăng 7,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,27 tỉ USD, tương ứng tăng 64,6%... so với cùng kỳ năm 2023.

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết trong 4 tháng đầu năm có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất trên 5 tỉ USD, chiếm 57,8%. Hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm đều có sự phục hồi tốt và đạt tăng trưởng cao. 

Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 34,12 tỉ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỉ USD; thị trường EU ước đạt 16,35 tỉ USD…

Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi như: các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác tiếp tục có tác động tích cực. Nhu cầu thị trường thế giới từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt. Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu....

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều khó khăn, thách thức như: sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn. Áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá có chậm lại nhưng vẫn ở mức cao. Rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu. sư gia tăng cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn cao…

Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 270,82 tỷ USD sau 5 tháng đầu năm 2024 - Ảnh 1

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá. Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA.

Cụ thể, về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang thực hiện, Bộ đã chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Về các giải pháp thúc đẩy tận dụng các FTA, Bộ đa và đang đa dạng hoá hình thức tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, trong đó ứng dụng môi trường Internet và các mạng xã hội; phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố tổ chức các Hội thảo phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử.

Tiến Hoàng