Kinh tế Việt Nam: Triển vọng kinh tế suy giảm do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư

Theo VDSC, tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn với quy mô lây lan của làn sóng lây nhiễm lần này và các biện pháp giãn cách xã hội đang được Chính phủ triển khai. Chi tiêu tiêu dùng trong nước đã và đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong tháng 6/2021, doanh số bán lẻ giảm 2,0% so với tháng trước và 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, vốn được coi là khu vực vững vàng nhất của nền kinh tế, cũng có dấu hiệu suy giảm.

Kinh tế suy giảm do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư - Ảnh minh họa.
Kinh tế suy giảm do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư - Ảnh minh họa.

Trong báo cáo chiến lược mới được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong quý II/2021, GDP của Việt Nam tăng 6,6% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự đoán của VDSC khoảng 7,2% và dự báo vào tháng 5/2021 của Chính phủ là 6,9%.

Góc nhìn từ VDSC được biết, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi mức nền thấp trong cùng kỳ năm ngoái và sự bền bỉ của khu vực sản xuất. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực dịch vụ chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ. Về lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do mức nền thấp trong cùng kỳ năm ngoái khi cả nước thực hiện cách ly xã hội và sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài.

Tăng trưởng kinh tế theo một số lĩnh vực chính (theo quý) - Nguồn: VDSC.
Tăng trưởng kinh tế theo một số lĩnh vực chính (theo quý) - Nguồn: VDSC.

Trong khi đó, mặc dù có hiệu ứng từ mức tăng thấp của cùng kỳ nhưng lĩnh vực dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát Covid-19 mới nhất. Ngành bán lẻ chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ quý II/2020, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tiếp tục trì trệ, như dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 4,5% so với cùng kỳ), vận tải và kho bãi (giảm 0,1% so với cùng kỳ) và giải trí (-4,3% so với cùng kỳ).

: Tăng trưởng kinh tế theo lĩnh vực (Nguồn: VDSC).
: Tăng trưởng kinh tế theo lĩnh vực (Nguồn: VDSC).

Trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng 5,6% so với cùng kỳ, dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,4%, trong khi lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,8% và 4,0%. Xét về mức độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lần lượt tăng 3,6%, 5,7%, 24,1% và 22,8%.

Tăng trưởng từ góc độ sử dụng GDP (Nguồn: VDSC).
Tăng trưởng từ góc độ sử dụng GDP (Nguồn: VDSC).

Trong thời gian tới, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tình hình diễn biến COVID19. Trong tháng 7 năm 2021, TP.HCM sẽ tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 do số lượng nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã lan sang các tỉnh vệ tinh khác của TP.HCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, An Giang và Tiền Giang.

Tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế có thể sẽ nghiêm trọng hơn với quy mô lây lan của làn sóng lây nhiễm lần này và các biện pháp giãn cách xã hội đang được Chính phủ triển khai. Chi tiêu tiêu dùng trong nước đã và đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong tháng 6/2021, doanh số bán lẻ giảm 2,0% so với tháng trước và 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, vốn được coi là khu vực vững vàng nhất của nền kinh tế, cũng có dấu hiệu suy giảm.

Theo IHS Markit, sản lượng sản xuất ghi nhận sự sụt giảm mạnh vào tháng 6/2021, chỉsố PMI giảm mạnh xuống 44,1 từ mức 53,1 vào tháng 5/2021.

: Chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI (Nguồn: VDSC).
: Chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI (Nguồn: VDSC).

“Chúng tôi tiếp tục quan sát thấy rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn còn rất hạn chế, trong khi các chính sách tài khóa phải gánh nhiệm vụ chính để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm. Thực tế, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn dự kiến, giảm 4,6% so với cùng kỳ và chỉ bằng 28,1% kế hoạch cả năm. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá sự phục hồi kinh tế sẽ chậm hơn và không đồng đều hơn so với dự báo trước đó là 6,5% do đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư. VDSC cho biết.

Tăng trưởng doanh thu bán lẻ lũy kế (Nguồn: VDSC).
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ lũy kế (Nguồn: VDSC).

Cũng theo VDSC, nếu dịch bệnh bùng phát được kiểm soát vào tháng 7/2021, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9% trong quý 3/2021 và 6,5% vào quý IV/2021, theo đó, tăng trưởng GDP cả năm ước tính đạt 6,0%. Nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn dự kiến, GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng ở mức 5,6% cho cả năm 2021.

Tạ Thành