Kinh tế Việt Nam đã phục hồi rõ nét từ quý 3/2020
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái, báo cáo mới nhất của IMF và WB (10/2020) dự báo kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm (-4,4 đến -5,2%). Ngoài ra, UNCTAD dự báo FDI toàn cầu sẽ suy giảm khoảng 25-30%, WTO dự báo thương mại thế giới suy giảm khoảng 9,2% năm 2020. Lạm phát toàn cầu năm 2020 dự báo ở mức thấp (1,8-2%) do sức cầu còn yếu, giá dầu giảm mạnh và đứng ở mức thấp.
Ở trong nước, kinh tế Việt Nam sau 9 tháng đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét theo hình chữ V với đáy là quý 2/2020 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát qua 2 lần bùng phát. Trong quý 3/2020, cả ba khu vực kinh tế đều phục hồi rõ nét từ mức đáy trong quý 2 với tăng trưởng GDP ước đạt 2,62% quý 3/2020, cao hơn mức tăng của quý 2. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, GDP tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quý 3 tăng 2,93% so với cùng kỳ (tốt hơn nhiều so với mức tăng 0,04% của quý 1 và 1,8% quý 2), giúp lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 1,84% (thấp hơn mức tăng 2,02% cùng kỳ năm trước), đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng dù vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song quý 3/2020 đã tăng 2,95% (cao hơn mức tăng của quý 2 là 1,69%), giúp lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,08% (thấp hơn so với mức 9,36% cùng kỳ năm 2019) và đóng góp 58,35% vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực dịch vụ mặc dù chịu tác động tiêu cực, trực tiếp bởi dịch bệnh, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi mạnh, khi tăng 2,75% trong quý 3 (so với quý 2 giảm -1,93%); giúp lũy kế 9 tháng tăng 1,37% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,85% cùng kỳ năm trước); đóng góp 28,03% vào tăng trưởng chung.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021
Trong năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với 4 rủi ro, thách thức chính do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, căng thẳng thương mại, công nghệ Mỹ-Trung và giữa các nước lớn khác, rủi ro địa chính trị tại các nước, khu vực gồm cả kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, đàm phán Brexit, quan hệ Trung - Ấn, vấn đề Biển Đông… và rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.
Các báo cáo cập nhật của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD, ADB (10/2020)… đều nhận định kinh tế thế giới năm 2020 suy thoái nghiêm trọng, trước khi phục hồi, bật tăng trở lại năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi phụ thuộc lớn vào 3 yếu tố về hiệu quả phòng - chống dịch Covid-19 và tiến trình sản xuất, phân phối, sử dụng Vaccine, hiệu quả của các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Ở trong nước, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm cùng với việc Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ “V” từ mức đáy quý 2/2020, lấy lại đà tăng trưởng từ quý 3/2020 và tăng trưởng khá trong năm 2021.
Theo đó, dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2 - 3% năm 2020 (khả năng cao là 2,5%) và khoảng 6,5 - 7% năm 2021. Mức dự báo này cũng khá tương đồng so với mức dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB…) là kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 1,6-2,8% năm 2020 và 6,3 - 7% năm 2021, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5 - 3,8% năm 2020 và dưới 4% năm 2021.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo theo hướng tổng cung trong quý 4, cả năm 2020 và 2021, vẫn với 3 kịch bản cơ sở, tích cực và tiêu cực căn cứ theo phân tích, dự báo về diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, khả năng hồi phục của kinh tế thế giới, khu vực và các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam, triển vọng phục hồi của các khu vực kinh tế, khả năng xảy ra những tác động tiêu cực của thiên nhiên, dịch bệnh đối với khu vực Nông - Lâm - Thủy sản.
Với kịch bản cơ sở, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, Chính phủ kiên định, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, tình hình thiên tai, lũ lụt tại miền Trung sớm được khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của, nông nghiệp sẽ tiếp tục là bệ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần tích cực vào tăng trưởng chung.
Với kịch bản tích cực đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên thế giới trong quý 4/2020, các nước áp dụng tình trạng “bình thường mới”, vừa phục hồi kinh tế, mở lại và duy trì hoạt động giao thương, sản xuất - kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bắt đầu có vaccine từ cuối năm 2020.
Còn tại Việt Nam, dịch bệnh được khống chế và được hỗ trợ tích cực bởi sự lan tỏa từ việc các nền kinh tế đối tác quan trọng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và ASEAN…) hồi phục nhanh sau dịch Covid-19, các hoạt động giao thương được mở cửa trở lại từ cuối quý 4/2020.
Khi đó, hoạt động sản xuất, chế biến - chế tạo nhất là các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện, điện tử, vẫn tăng trưởng khá, các ngành may mặc, da giày phục hồi nhanh trở lại,… đáp ứng nhu cầu từ đối tác, dịch vụ hồi phục khá nhờ niềm tin của người tiêu dùng được khôi phục dần, thiên tai được khắc phục nhanh nhờ sự vào cuộc của Trung ương, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội và mạnh thường quân… nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong ổn định an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế. Theo kịch bản này, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 4,82% trong quý 4/2020 và 3% cả năm 2020.
Với kịch bản tiêu cực đại dịch Covid-19 có nhiều đợt bùng phát mạnh tại nhiều nơi trên thế giới và khó kiểm soát trong mùa Đông - Xuân 2020 - 2021, bên cạnh đó, căng thẳng thương mại - công nghệ, địa chính trị leo thang, không sớm tìm được hướng giải quyết sẽ khiến thương mại, đầu tư quốc tế sụt giảm, đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng bất định, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu xuống thấp (theo hình chữ M ngược).
Còn tại Việt Nam, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, nhưng xuất khẩu, thu hút đầu tư FDI tiếp tục khó khăn do dịch bệnh bùng phát trở lại ở các nước đối tác chính, sản xuất và xuất khẩu nông sản gặp khó, du lịch, vận tải - kho bãi, tiêu dùng phục hồi chậm chạp... Khi đó, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt 1,74% trong quý 4 và khoảng 2% cả năm 2020.
Đối với năm 2021, Nhóm tác giả xây dựng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng và mức độ xảy ra của năm yếu tố, tình hình và khả năng kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam và các nước trong quý 1/2021, vaccine phòng Covid-19 được sản xuất rộng rãi từ cuối quý 2/2021 và Việt Nam được tiếp cận vaccine cuối năm 2021.
Mức độ căng thẳng thương mại - công nghệ trong năm 2021 và tiến trình hợp tác quốc tế theo khu vực, khối và nhóm các nước, mức độ phục hồi kinh tế của các đối tác chính, tình hình thiên tai, dịch bệnh khác tại Việt Nam và mức độ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, và dựa trên nền tảng tăng trưởng khá thấp của năm 2020 cũng như xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5 - 7%. Trong đó, khu vực Nông - Lâm - Thủy sản tăng trưởng khoảng 2,3 - 2,8%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng trưởng 8,5 - 8,8% (gần tương đương mức tăng trưởng trước khi xảy ra dịch Covid-19); và khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,6 - 8,1% so với năm trước.
Như vậy, tùy theo diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% năm 2020 (theo kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng trong quý 4/2020 khoảng 3,28%); và có thể phục hồi mạnh với mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% năm 2021 (kịch bản cơ sở); lạm phát bình quân dự báo ở mức 3,5 - 3,8% năm 2020 và có thể tăng nhẹ lên mức 3,6 - 3,9% năm 2021.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép
Quý 4/2020 và năm 2021 sẽ là thời gian quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, bởi thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH sẽ là nền tảng vững chắc, tạo đà bứt phá và thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030. Mặc dù đây vẫn là giai đoạn khó khăn do Việt Nam phải vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng mặt khác, đây cũng là cơ hội nếu chúng ta tận dụng được những xu hướng, cơ hội mới được tạo ra từ chính đại dịch này.
Do đó, để hiện thực hóa khả năng tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát trong quý 4/2020 và cả năm 2021 như nêu trên, Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp khác như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm ngay sau khi dịch được kiểm soát, cũng là tận dụng cơ hội từ các FTA như CPTPP, EVFTA, tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ điện tử, và tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh nhằm xóa bớt rào cản, thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển.
TS. Cấn Văn Lực