Kỷ niệm 77 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Bài ca giữ nước

Cách đây 77 năm, vào mùa Thu lịch sử năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc - Ảnh: Tư liệu.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Bước vào thế kỷ 20, chỉ hơn 10 ngày sau cuộc cách mạng tháng Tám thành công, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - dấu son lịch sử mới của dân tộc ta.

Sau đó không lâu, cả dân tộc lại tiếp tục đương đầu với âm mưu “cướp nước ta một lần nữa” của thực dân Pháp ngay sau khi đất nước vừa mới giành độc lập. Cuộc kháng chiến trường kỳ mang tên “Chín năm làm một Điện Biên” thắng lợi, một nửa đất nước được giải phóng, miền Bắc trở thành hậu phương lớn cùng miền Nam đánh Mỹ. Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, hòa bình chưa được bao lâu, dân tộc ta lại tiếp tục đổ máu xương bởi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và tây Nam của Tổ quốc.

Thật hiếm thấy đất nước nào, dân tộc nào lại phải chịu nhiều đau thương, mất mát như dân tộc Việt Nam. Giữ nước đã trở thành bài ca, là câu chuyện lịch sử nhiều kỳ kể về cuộc chiến vô cùng cam go, không cân sức giữa ta và địch; câu chuyện về chiến tranh phi nghĩa và cuộc kháng chiến chính nghĩa; về chủ nghĩa nhân văn; về nghệ thuật tiến hành chiến tranh giải phóng, chiến tranh chống xâm lược, chiến tranh tự vệ. Mục tiêu cao cả là giữ vững nền hòa bình, tự do, độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Lịch sử nhân loại đã tổng kết thành chân lý: giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó gấp bội. Dựng nước đi đôi với giữ nước trở thành quy luật tất yếu. Vì sao dân tộc nhỏ bé, nước “nhược tiểu” cùng đội quân “yếu” về số lượng, trang bị vũ khí thô sơ, kém xa các thế lực xâm lược hùng mạnh lại có thể “yếu” thắng “mạnh”, “ít địch được nhiều” và giữ được đất nước? Câu hỏi lịch sử ấy đã phần nào được giải đáp qua hàng thế kỷ luôn chưa đủ mà còn tiếp tục phải bổ sung để mọi người tận hiểu dân tộc, đất nước và con người Việt Nam.

Một trong những gia sản quý giá nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20 là nghệ thuật đánh giặc, dựng nước và giữ nước. Nổi bật là kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam được tổng kết thành chiến tranh nhân dân, biên giới lòng dân, cột mốc sống, thế trận lòng dân, đội quân tóc dài, binh vận, địch vận, bám thắt lưng địch mà đánh... Nghệ thuật tiến hành chiến tranh ấy không phải hoàn toàn mới lạ, ít nhiều đã được cha ông ta khai triển trong thực tiễn chống giặc.

Các thế hệ kế tiếp đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phát triển kinh nghiệm giữ nước của cha ông phù hợp từng giai đoạn lịch sử. Quốc sách “ngự binh ư nông”, “lấy khoan thư sức dân” thời nhà Trần để làm kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách giữ nước Trần Quốc Tuấn. Theo Đại Nam Thực lục (Chính sử triều Nguyễn thế kỷ 19): “Đời nào giữ được dân thì thể nào cũng hưng thịnh, đời nào không giữ được dân thì thể nào cũng suy vong” (trang 59, tập 6), “từ đời xưa, làm chính trị giữ nước, nghĩ đến xa về sau đều làm trước từ lúc thái bình vô sự. Cho nên lo việc khó từ lúc còn nhỏ. Cảnh giới vô sự như con chim sửa tổ từ lúc trời chưa mưa. Điều ấy là việc các vua hiền chú ý làm lắm”.

Sang thế kỷ 21, chúng ta đề cao tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa cũng là làm theo những lời truyền dặn trong Chính sử ấy. Tổng kết các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, nghệ thuật đánh giặc thường được, vẫn được khái quá là “nghệ thuật công tâm”, “đánh bằng chính binh, thắng bằng kỳ binh”, “yếu đánh mạnh hay đánh bất ngờ, ít địch nhiều thường dùng mai phục”, “mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế lừa địch; lừa và điều được địch sẽ tạo nên bất ngờ, chủ động tối đa. Đó là mạch sống của tác chiến”… Những bài học kinh nghiệm quý giá ấy phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao người.

Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới đến trước Đại hội XII, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng luôn coi trọng việc nghiên cứu kế thừa những kinh nghiệm lịch sử chiến tranh. Lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của một Đại hội, quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình, từ sớm, từ xa được nêu rõ và đặc biệt nhấn mạnh. Đánh giá đúng tình hình quốc tế trong trạng thái vận động không ngừng, diễn biến chính trị phức tạp, biến động khó lường để hoạch định chiến lược cho phù hợp, với tư duy thực tiễn, sáng tạo, đổi mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình, khi đất nước chưa nguy, lấy việc phòng ngừa từ trước, từ xa để luôn giành được thế chủ động, không bị bất ngờ. Đương nhiên, vượt trên tất cả là phải xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh, lo sao “trong ấm, ngoài êm”, loại trừ chiến tranh là thượng sách. Nó thể hiện tầm nhìn mới về quan điểm quốc phòng, an ninh của Đảng.

Muốn ngăn ngừa không để xảy ra chiến tranh cần tập trung xây dựng đất nước thực sự ổn định và vững mạnh về mọi mặt ngay từ bên trong, lấy giữ vững ổn định chính trị là cái gốc. Trên cơ sở đó, nhà nước điều hành thành công, hiệu quả nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế có phát triển bền vững mới tạo nên nội lực vững mạnh, đủ khả năng, điều kiện ngăn ngừa, đẩy lui các nguy cơ xảy ra chiến tranh, xung đột. Tình hình thế giới và khu vực đã đổi thay rất mau lẹ. Lại thêm những tác động khách quan của nhiều loại dịch bệnh, nổi lên đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết. Theo đó là biến đổi khí hậu cực đoan ảnh hưởng không nhỏ kinh tế toàn cầu, quan hệ kinh tế- chính trị các nước.

Nhiều năm qua, cùng với đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân. Xây dựng hệ thống chính quyền nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, các tổ chức đoàn thể vững mạnh, các cộng đồng dân cư đoàn kết, văn hóa. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai kiên quyết, không ngừng nghỉ. Theo đó, nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống, hành vi tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được chủ động ngăn ngừa và từng bước đẩy lui. Đó cũng là làm cho “trong ấm” để “ngoài êm”.

Nhìn lại hơn bảy thập kỷ gây dựng và giữ nước, bảo vệ thành công Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chân lý “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chỉ có dựa vào dân, xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc; được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và nhất lòng làm theo thì sự nghiệp giữ nước mới thành công. Cứ mỗi độ Thu về, khắp phố phường, làng bản xóm thôn rợp màu cờ hoa, hòa trong không khí tưng bừng của nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám cùng Tết Độc lập.