Khánh thành, mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là sự kiện quan trọng, vô cùng ý nghĩa mở đầu cho nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong những tuần đầu mở cửa, Bảo tàng đã quá tải vì lượng người đến thưởng lãm, thể hiện tình cảm và sự ham muốn của người Việt Nam tìm hiểu lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và quân đội nhân dân anh hùng. Quy mô, hình thức và nội dung bảo tàng đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhiều lớp người Việt Nam từng tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, làm nên những chiến công hiển hách ở thế kỷ 20.
Tầm cỡ quốc gia, đầu tư tương xứng, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam lưu giữ muôn đời những tư liệu, tài liệu lịch sử: phim ảnh, hiện vật, kỷ vật, chứng tích chiến tranh…; tái hiện sống động, sâu sắc, chân thực về chặng đường ra đời, trưởng thành trong chiến tranh và thời bình của quân đội ta. Cùng với các bảo tàng khác trong cả nước Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là những cuốn sử vàng về lịch sử chiến tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20 cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ 21.
Đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, kể từ khi có Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam, tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vỏn vẹn 34 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, trang bị thô sơ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu được Đảng và Bác Hồ khai sinh, lãnh đạo, nuôi dưỡng rèn luyện để trở thành quân đội hùng mạnh, chính quy, hiện đại làm nên bao kỳ tích lịch sử, chiến công nối tiếp chiến công. Ngay sau khi ra đời, Quân đội ta đã đánh thắng 2 trận: Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu trang sử truyền thống “bách chiến bách thắng” rất đỗi tự hào. Chưa đầy một tuổi Quân đội nhân dân đã cùng toàn dân làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Chưa tròn 10 tuổi, Quân đội ta đã cùng toàn dân lập nên chiến công mang tầm thời đại, đánh bại thực dân Pháp xâm lược, nổi bật là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngay sau đó, Quân đội nhân dân lại đồng hành cùng nhân dân cả nước tiếp tục cuộc trường chinh giải phóng dân tộc trong suốt 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược. Quân đội nhân dân lại ghi tiếp những chiến công rực rỡ. Nổi bật là “Điện Biên Phủ trên không” ( 1972); đặc biệt là Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa nước ta vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam ( gọi tắt quân đội) cơ bản được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là từ khi thành lập đến năm 1975 và giai đoạn hai từ năm 1975 đến nay. Xen giữa hai giai đoạn đó, quân và dân ta còn phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979; thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với bạn Lào và Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Đó mãi mãi là bản hùng ca bất tận trong lịch sử chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc Việt Nam. Đất nước chỉ thật sự hòa bình trọn vẹn từ năm 1989. Giai đoạn một được xem là quân đội thời chiến. Từ ít đến nhiều, yếu đến mạnh, từ thô sơ từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, càng đánh quân đội càng trưởng thành, dạn dày kinh nghiệm. Với thế trận chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam giàu truyền thống thường trong hoàn cảnh: yếu đánh mạnh, ít địch nhiều, thô sơ chống hiện đại, quân đội đã viết nên bản anh hùng ca, viết tiếp những chiến công lừng lẫy trong trang vàng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, quân đội cùng toàn dân đã làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, rồi Điện Biên Phủ trên không- đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, lập nên những chiến công bất hủ, chiến thắng vang dội, bồi đắp nên nền nghệ thuật quân sự Việt Nam riêng có: lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Kết thúc chiến tranh là Đại thắng mùa Xuân 1975. Từ đó đến nay, trong khoảng 4 thập kỷ, quân đội bước vào thời bình. Nhiệm vụ quân đội có sự thay đổi: sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ; giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc, cùng toàn dân bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, Tổ quốc Việt Nam XHCN. Theo đó, cơ cấu tổ chức có sự đổi thay phù hợp với yêu cầu tái thiết đất nước sau chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quân đội thời bình tiếp tục làm nên nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận kinh tế, đối ngoại quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Hoàn thành tốt sứ mệnh chính cao cả ấy là nhờ quân đội luôn giữ vững bản chất của đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu; trung với Đảng, với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Hầu hết những địa bàn, lĩnh vực, nhiệm vụ nào phức tạp, khó khăn, cần sự dấn thân, hy sinh quân nhân đều có mặt: rà phá bom mìn, phòng chống thiên tai, bão lũ, cứu hộ cứu nạn, phòng chống các loại tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật: giao thông; điện. đường, trường, trạm, dạy chữ, dạy người…Bộ đội Cụ Hồ luôn giữ trọn lời hứa: đâu cần bộ đội có, đâu khó có bộ đội.
Cũng như các ngành nghề khác, lực lượng quân đội đang chịu tác động hai mặt của đời sống cơ chế thị trường, môi trường quốc tế. Sức mạnh, thực lực quân đội luôn dựa vào bản lĩnh chính trị, đạo đức, lý tưởng cách mạng, sự tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn khắc ghi lời chỉ dẫn của Bác Hồ, vị lãnh tụ người sáng lập nên quân đội trong thế kỷ 20: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Không thể kể hết thành tích, chiến công và có lời ngợi ca nào tương xứng với những gì quân đội làm cho đất nước, dân tộc. Song, có thể khẳng định bản chất cách mạng, sự tận hiến của quân đội trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vẹn toàn chủ quyền lãnh thổ không bao giờ đổi thay trước sự tấn công chống phá tư tưởng bằng “ diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp dựng nước và giữ nước luôn được lưu truyền đời này qua đời khác. 80 năm là chặng đường tương đương một thế hệ. Giáo dục truyền thống để thế hệ sau tiếp nối thế hệ cha anh mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, quan trọng. Trong dịp này, nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực, hiệu quả được triển khai dưới các hình thức, nội dung phong phú. Triển lãm, ca nhạc, trình chiếu bộ phim tư liệu lịch sử… đã tái hiện chân thực, sinh động lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, kết nối quá khứ và hiện tại, như bộ phim “Không thời gian” “Cha con người lính”; chương trình nghệ thuật “Tiến bước dưới quân kỳ”; các cuộc gặp gỡ, tri ân các thế hệ, lớp người làm nên lịch sử diễn ra sống động…tạo nên ấn tượng đẹp đẽ, xúc động tự hào về dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.
Thế kỷ 21 với bối cảnh hoàn toàn mới. “Đem sức ta mà xây dựng và bảo vệ ta” là định hướng xây dựng quân đội tinh gọn, hùng mạnh, từng bước chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Thực lực kinh tế đất nước luôn gắn với thực lực quân sự quốc phòng, vì thế, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế đất nước để dân giàu, nước mạnh đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của bộ đội Cụ Hồ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi thông điệp đến toàn dân: đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, điều hành linh hoạt, kiên quyết, năng động của Chính phủ, cả nước đang tập trung khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn, lực cản trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Sức mạnh của quân đội qua 80 năm phấn đấu và trưởng thành được thể hiện sinh động qua hoạt động không chỉ quân sự, quốc phòng - an ninh mà còn trên nhiều mặt trận khác.
Trong chặng đường 80 năm, Quân đội ta được Đảng, Nhà nước 05 lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó, đặc biệt vinh dự được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định Ngày truyền thống của Quân đội nhân dân là Ngày Hội quốc phòng toàn dân từ năm 1989. Ôn lại truyền thống vẻ vang của quân đội cách mạng, chúng ta tôn vinh, ngợi ca, khẳng định thành tựu, công trạng của các thế hệ bộ đội Cụ Hồ, của lực lượng vũ trang nhân dân. Đó chính là tiếp tục bồi đắp niềm tin vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
VĂN HÙNG