Muốn tham mưu về lĩnh vực tư tưởng thì phải nắm bắt được thực trạng diễn biến tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; tâm trạng, dư luận xã hội, dự báo khuynh hướng vận động của tư tưởng của một bộ phận, một nhóm xã hội, trong đó phân định lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp…
Xã hội ta đang chuyển động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, trong mối liên hệ bền chặt, tác động qua lại giữa các quốc gia, dân tộc, con người theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực, ảnh hưởng nhau khá rõ rệt. Dòng tư tưởng tích cực, hứng khởi, tin cậy luôn là chủ đạo; toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới. Ổn định chính trị; an ninh-quốc phòng, hòa bình, độc lập được giữ vững, đất nước từng bước vượt qua nhiều thách thức, trở ngại.
Đan xen trong đó là những luồng tư tưởng tiêu cực, phân tâm, thiếu niềm tin vào thực tại xuất hiện ở các cấp độ khác nhau, biểu hiện dưới muôn vàn dạng thức phức tạp, không dễ nhận diện để đánh giá đúng, sai, giả thật trong các giai tầng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Diễn biến tư tưởng, dư luận, tâm trạng xã hội luôn phong phú, phức tạp không dễ nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời nếu thiếu phương pháp, cách thức tiếp cận khoa học, thực tiễn, trung thực, sáng tạo, đổi mới, khách quan.
Đổi mới hoạt động tuyên giáo cũng chính là đổi mới phương cách hoạt động nắm bắt tư tưởng của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, sâu sát thực tiễn cuộc sống. Dựa vào đó, chủ động định hướng nhận thức và hành động cho các đối tượng. Thực tế cho thấy, trước những diễn biến của thời cuộc, của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, tư tưởng, nhận thức của con người bộc lộ qua suy nghĩ, hành động, quan điểm, chính kiến qua nhiều kênh, trong đó có thông tin trên nền tảng mạng xã hội (MXH). Tâm tư, tình cảm, thái độ yêu - ghét, đồng tình- phản đối, vui vẻ - bực tức, chán chường là những cung bậc tình cảm từng bước được giải tỏa, “tràn” ra ngoài mỗi con người.
Nắm bắt dư luận xã hội cũng là một “kênh” dõi theo tư tưởng, tâm trạng con người, xã hội trước những vấn đề lớn, quan trọng, thời sự của đất nước, thời cuộc. Một trong những phương pháp khá phổ biến, truyền thống là điều tra dư luận xã hội ở một bộ phận nào đấy bằng phương pháp đơn giản. Cách làm ấy là chưa đủ.
Mỗi kỳ họp quốc hội, dư luận cử tri rất quan tâm đến nội dung kỳ họp, diễn biến và kết quả của nó, nhất là phiên chất vấn. Những vụ việc vi phạm pháp luật được xét xử, luận tội và kết án nhân dân cũng dõi theo và tỏ thái độ, suy nghĩ. Những khó khăn, thách thức toàn dân, toàn Đảng đang đối mặt ứng phó, xử lý đều nhận được thái độ “ trên dưới đồng lòng, toàn dân góp sức”.
Mừng lắm chứ, nếu cử tri “đặc biệt” quan tâm các vấn đề của đất nước. Tư tưởng ấy là tích cực, xây dựng, trách nhiệm đã bộc lộ. Báo chí ngày càng phản ánh đầy đủ, trung thực, đa chiều, đáp ứng tận cùng ý kiến cử tri, tâm nguyện chính đáng của họ với Đảng, Chính phủ, Quốc hội là hồng phúc của nước. Nhờ đó mà đất nước mới THỊNH. Vậy nên công tác tuyên truyền, báo chí hơn lúc nào hết cần tiếp tục khẳng định vai trò là vũ khí tư tưởng của Đảng, phương tiện chuyển tải kịp thời đến xã hội thông tin chính thống đáp ứng nhu cầu thụ hưởng chính đáng. Báo chí chính thống phải làm lu mờ, đẩy lui tư tưởng xấu độc trên không gian mạng. Đó là những thông tin bịa đặt, vu khống, bôi nhọ, thông tin giả.
Cuộc đấu tranh không khoan nhượng, không ngưng nghỉ giữa hai lực lượng Chính và Tà trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp. Dường như vẫn còn những câu hỏi cần thông tin của người dân chưa được giải đáp kịp thời, thỏa đáng. Phải chăng đó là những “lỗ hổng”, sơ hở để MXH lợi dụng reo rắc thông tin sai lệch, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm phân tâm, nhận thức sai lệch, dao động tư tưởng của xã hội. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kết quả của nó đang tác động đa chiều đến tư tưởng, tâm trạng xã hội.
Theo dõi thông tin trên nền tảng MXH sẽ thấy mức độ phức tạp trong nhận thức, diễn biến tư tưởng của cán bộ, nhân dân. Đáng chú ý là một bộ phận xã hội (tuy nhỏ) bị khủng hoảng niềm tin, hoài nghi về tình hình đất nước khi thấy một số quan chức lớn, bé trong cơ quan công quyền, hệ thống chính trị vướng vào vòng lao lý trong các vụ đại án. Nhiều câu trả lời của họ trước phiên tòa dấy lên phản ứng xã hội theo chiều không thuận. MXH bình luận cho rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng.
Những vụ việc tiêu cực đang diễn ra trong đời sống hàng ngày, nhất là vụ án mạng, lừa đảo, tệ nạn xã hội, bạo lực trường học, trong gia đình, xã hội, với phụ nữ, trẻ em…đã tác động đến nhận thức tư tưởng của người dân. Cộng thêm khó khăn của kinh tế - xã hội đất nước do tác động đại dịch, kinh tế thế giới suy thoái, biến đổi khí hậu…đe dọa cuộc sống của người dân. Diễn biến tư tưởng và tâm trạng xã hội rất cần sự lí giải, cắt nghĩa và định hướng. Báo chí giữ vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định trong nhận thức và hành động của xã hội trước vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, an nguy của đất nước. Rất nhiều vấn đề, nội dung quan trọng đặt ra cho ngành tuyên giáo nói chung, công tác tư tưởng, báo chí nói riêng.
Vượt trước thời gian, dự báo và đánh giá tình hình, nắm bắt kịp thời xu hướng, diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội để tham mưu cho Đảng các giải pháp xử lý là thách thức không nhỏ của toàn bộ hệ thống chính trị khi tham gia hoạt động tư tưởng, tuyên giáo. Báo chí trong thời đại số, đa phương tiện có sức ảnh hưởng to lớn. Thông tin trên nền tảng MXH cũng vậy. Vì thế, rất cần thay đổi tư duy quản trị, phương thức truyền thông, đổi mới nội dung thông tin phù hợp với các đối tượng khác nhau; triệt để khai thác lợi thế, mặt tích cực của MXH trong đấu tranh với các thông tin xấu, độc, phản động của lực lượng thù địch trong và ngoài nước.
Ngành Tuyên giáo có hệ thông xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, lực lượng cán bộ dồi dào, từng bước được trẻ hóa, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu. Hoạt động tư tưởng và báo chí luôn song hành, gắn kết; lấy cuộc sống làm chất liệu để hình thành thông tin, căn cứ đánh giá diễn biến tư tưởng, tâm lý xã hội, khuynh hướng nhận thức và hành động.
Vì thế, đòi hỏi hoạt động tham mưu trong công tác tư tưởng và báo chí phải từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa theo hướng chuyên sâu; khắc phục bệnh hời hợt, thành tích, hình thức, ỷ lại, xa rời thực tế cuộc sống.
Cần có thêm nhiều hơn nữa những cán bộ tuyên giáo tâm huyết, cháy hết mình với công việc vốn được xem là “trừu tượng” khô khan. Cần có đánh gia nghiêm túc, thẳng thắn mặt tích cực, hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong từng mặt hoạt động trên để đề ra kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực tư tưởng và báo chí- xuất bản dài hạn, bài bản, đáp ứng yêu cầu mới của tình hình đất nước và thế giới hiện nay.
VĂN HÙNG