Tôi muốn mượn lời ca khúc “Đời doanh nhân” của nhạc sĩ Trần Tiến để đặt tựa cho bài viết. Thực tế cuộc sống đã mách bảo chúng ta, muốn làm kinh tế hiệu quả, thành doanh nhân giỏi, thành đạt không bao giờ là dễ. Bởi, nhà doanh nhân ấy phải hội tụ rất nhiều yếu tố: năng lực, trí tuệ, đạo đức kinh doanh, lòng kiên trì và cả yếu tố may mắn nữa. Chả thế mà nhạc sĩ Trần Tiến đặt cho doanh nhân bao câu hỏi: Trí không cao, lòng không bền sao làm doanh nhân; thuyền không lớn sao vội ra khơi? Dân không giàu sao mà nước mạnh? Đời doanh nhân, chủ doanh nghiệp phải trải qua thăng trầm, gian khó, đắng cay là chuyện thường tình bởi trong kinh doanh, làm kinh tế thương trường được xem là chiến trường nên doanh nhân từng được ví như chiến binh trên chiến trường.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động; 14.400 hợp tác xã ngoài khu vực doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam còn có 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Đóng góp của khối doanh nghiệp vào nền kinh tế quốc dân là vô cùng to lớn với 60% GDP; 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong hai thập niên qua, mật độ doanh nghiệp đã tăng đáng kể từ 1,1 doanh nghiệp trên 1000 dân năm 2004 lên 9,2 triệu doanh nghiệp/ 1000 dân năm 2023, tăng gấp 8,4 lần. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã vượt mốc 1,88 triệu, với năm 2023 ghi nhận mức tăng 4,3 lần so với năm 2004.
Đội ngũ doanh nhân lên đến hàng triệu người. Hiện có 172 doanh nhân và 325 sản phẩm làm thương hiệu quốc gia. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước. Đảng, Bác Hồ và Nhà nước đã khẳng định doanh nhân là động lực thịnh vượng quốc gia, có vai trò không thể thay thế bởi sự đóng góp không nhỏ của doanh nhân cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nhằm ghi nhận, động viên và phát huy vai trò đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Mới đây, ngày 10/10/2023 Bộ Chính trị đã ban hành NQ 41/NQ/TƯ “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngày 10/5/2024 tại Hội nghị quán triệt nghị quyết trên, đã chỉ ra một số vấn đề đang được xã hội quan tâm đặc biệt trong thời gian qua của doanh nghiệp, doanh nhân, thực trạng nền kinh tế đất nước. Đó là đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, cơ chế, hành lang pháp lý...đang còn những tồn tại, bất cập. Làm thế nào để đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cũng được đặt ra khẩn thiết, thảo luận sôi nổi. Đó vẫn còn là câu chuyện dài, không dễ có được trong một sớm, một chiều, nhưng cũng không thể chậm trễ, thiếu quan tâm nếu không muốn đất nước tụt hậu, luôn phải theo sau các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Chính quyền Mỹ chưa công nhận Việt Nam đang có nền kinh tế thị trường, sự kéo dài, chậm trễ ấy ẩn chứa điều gì? Chúng ta phải làm gì để thuyết phục họ không ngăn cản và công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam? Điều đó không chỉ cần lòng kiên trì theo đuổi mục tiêu mà cần sự chứng thực bằng hành động cụ thể để hiện thực hóa nhiều hơn sự đổi mới tư duy trong hoạt động kinh tế, cải cách mạnh mẽ nhiều nội dung cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước; tôn trọng doanh nhân, chủ doanh nghiệp; Đảng và Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu để mau chóng chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi số, thể chế kinh tế, môi trường thu hút đầu tư nước ngoài trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu…Khai thác thế mạnh, tiềm năng chất xám và khơi dậy lòng tự hào, tự trọng, tự tin, tinh thần tự lực, dấn thân và lòng yêu nước của hàng triệu doanh nhân. Trong buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa với đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ khẳng định “Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng” .
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của đất nước, đã bày tỏ ý kiến tâm huyết, đại diện cho giới doanh nghiệp tư nhân, những chủ nhân thật sự của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng mong có nhiều ý kiến kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn; nhất là ý kiến tư vấn, tham mưu chiến lược, góp ý xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập gây ra điểm nghẽn, lực cản cho hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy thế, số ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn, không ngại va chạm như Ông Chủ tịch tập đoàn Geleximco còn ít “Thủ tướng, các Phó thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục” .
Cả nước vừa liên tiếp hứng chịu hai cơn bão. Bão Covid-19 và bão số 3 Yagi. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ tụt xuống so với dự kiến đầu năm. So sánh số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số doanh nghiệp xin giải thể, ngưng hoạt động chờ giải thể mới thấy hết khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân. Ngay sau cơn bão Yagi, dù gặp không ít thiệt hại, khó khăn nhưng nhiều doanh nhân, tập đoàn kinh tế đã trực trực và gián tiếp góp tiền của, sức lực, vật chất nhằm cứu trợ nhân dân nơi bị bão lũ, khắc phục hậu quả, tái thiết cuộc sống: xây dựng khu ở mới, sửa chữa nhà cửa, hạ tầng giao thông bị hư hỏng, trợ giúp khẩn cấp để các cháu có đủ điều kiện trở lại trường học tập. Công việc trước mắt và lâu dài còn ngổn ngang, thách thức không nhỏ. Với sự chung lưng đấu cật, tận tâm, đoàn kết của doanh nghiệp doanh nhân, nhất định đất nước sẽ vượt qua những khó khăn bất thường.
Trong dịp gặp gỡ với đại diện cộng đồng doanh nhân, sau khi khẳng định sẽ kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng “đặt hàng” doanh nghiệp bằng việc đề nghị cộng đồng doanh nhân tiên phong trong 5 lĩnh vực quan trọng: một là, thúc đẩy ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Hai là, phát triển khoa học công nghệ, tạo động lực tăng trưởng mới. Ba là, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bốn là, áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại và năm là, đoàn kết và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Với tâm thế định hình cho được Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp tiên phong, nền kinh tế đất nước nhất định sẽ đạt mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đặt ra.
VĂN HÙNG