Chim có Tổ, người có tông, có giống - câu nói dân gian truyền miệng ấy cứ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Với mỗi người, hai tiếng QUÊ HƯƠNG thật thiêng liêng, trào dâng xúc cảm. Bởi, đó là nơi chôn nhau, cắt rốn, sinh ra, trưởng thành và để ta hóa đất cuối đời. Với dân tộc, đất nước, nhớ về tổ tiên, ông cha mình, là nhớ về nguồn cội. Dân tộc Việt Nam luôn tự hào vì các đời Vua anh minh của mình - các Vua Hùng.
Hồi nhỏ tôi thường theo cha mẹ, anh chị đi lễ Đền Hùng. Lúc đó, chưa có lễ hội quy mô, trẩy hội hoành tráng như bây giờ. Cũng phải thôi, thời gian đó, nước mình còn nghèo lắm, chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc khá dữ dội. Sau năm 1975 và hàng nhiều thập kỷ tiếp theo, khu vực Đền Hùng quy mô tuy khiêm nhường nhưng luôn giữ được trọn vẹn nét hoang sơ, cổ kính. Đền chính (hay gọi là Đền Thượng) nhỏ bé, ẩn mình sâu trong khu rừng nguyên sinh già nghìn năm tuổi nên vô cùng linh thiêng, kỳ vĩ. Mọi người ở xa (kể cả gia đình tôi) đến thăm Đền hay chọn vào mùa thời tiết đẹp, ít mưa, rét. Mỗi khi đi Đền thường mất cả ngày, chủ yếu là đi xe đạp, tàu hỏa, có khi cuốc bộ là chuyện thường. Chúng tôi mang cơm nắm gói trong lá chuối, muối vừng lạc. Thịnh soạn hơn thì có món sườn băm chưng mắm tôm. Leo lên, xuống hàng trăm bậc gạch đá, đi mấy đền chung quanh là bụng réo ầm ầm!
Buổi trưa, dừng chân, ngả tàu lá cọ thành chiếu để dùng bữa, rồi ngả lưng. Không khí dưới tán rừng già trong mát, thơm lịm bởi hoa rừng, chim hót râm ran, tiếng côn trùng, muông thú làm nao lòng người đến thăm Đền. Lúc bấy giờ không có chuyện thắp nhang hàng bó, đốt vàng mã hàng cân, dâng cúng lễ vật tiền bạc ( cả thật và giả) “khủng” như bây giờ. Chả trách các cụ nói: phú quý sinh lễ nghĩa! Điều mọi người ước mong cũng thật giản dị: chiến tranh, cảnh bom rơi đạn lạc, chết chóc sớm qua đi, hòa bình vĩnh viễn, mọi người được sống trong hòa bình, độc lập tự do, hạnh phúc. Thế rồi, điều ước ấy dường như được các Vua Hùng “nghe thấu” nên đã thành hiện thực.
Đất nước trải qua thời gian dài khốn khó bởi hậu quả chiến tranh, nhân dân phải thắt lưng buộc bụng, ra sức dựng xây cuộc sống mới từ đống tro tàn. Đã có thời gian không ngắn, bởi tư duy lạc hậu, cơ chế quan liêu bao cấp đã đè nặng cuộc sống mọi gia đình. Phải sau nhiều thập niên triển khai chủ trương đổi mới của Đảng, cải cách, mở cửa, đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, mới có được sự phồn thịnh như hôm nay. Nhiều người nghĩ rằng, đó là nhờ ơn tổ tiên, công lao của các đời Vua Hùng đã có công dựng nước, nay lại phù hộ độ trì cho con cháu người ăn nên làm ra, đất nước hòa bình , thịnh vượng.
Giờ, mỗi khi trở lại thăm Đền Hùng không ít người bày tỏ cảm xúc lẫn lộn- vừa mừng vui, sung sướng, tự hào vừa có chút băn khoăn, lo lắng. Mừng là thấy nhà nước, chính quyền địa phương triển khai cơ chế xã hội hóa lĩnh vực bảo tồn lịch sử đã thu hút được không ít nguồn đầu tư công sức, tiền bạc phục vụ việc quy hoạch, tôn tạo, chỉnh trang tu bổ và mở rộng quần thể di tích lịch sử hàng đầu quốc gia này xứng tầm dân tộc.
Đền Hùng không chỉ là nơi thờ cúng Tổ tiên của người dân cả nước, mà còn trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh. Theo đó, nhiều di tích lịch sử nằm trong địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh nổi tiếng linh thiêng như Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Tây Thiên nơi có Học viện Phật giáo (Thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) cùng nhiều di tích, đền chùa- nơi thờ tự từng có trong lịch sử bị xuống cấp nay được khôi phục, trùng tu để trở thành quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mới liên thông giữa nhiều tỉnh, thành.
Người dân thập phương đến chiêm bái, dự lễ hội hàng năm lấy làm mãn nguyện. Đời sống tinh thần, tâm linh hài hòa với đời sống vật chất. Ngày càng thêm nhiều người dân cả nước từ Bắc chí Nam biết đến cội nguồn dân tộc, trở về với sự tích con Rồng cháu Tiên, Mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng, những người con lên rừng, những người con xuống biển để hình thành dân tộc Việt với gần 100 triệu người hôm nay.
Điều còn băn khoăn, trăn trở là gì? Là tư duy thực dụng, thương mại hóa quá giới hạn trong hoạt động lễ hội, tham quan di sản lịch sử, văn hóa. Là vấn nạn đốt vàng mã, thắp hương quá độ, gây ô nhiễm bầu không khí vốn trong lành, gây lãng phí tiền của xã hội. Là nạn cung tiến vật chất hòng cầu xin những điều không tưởng một cách mù quáng, trong đó không loại trừ có cả những đồng tiền không trong sạch. Tiền đưa vào hòm công đức để góp phần tôn tạo, bảo tồn di tích thì tốt quá rồi, còn những loại tiền mệnh giá thấp nhưng thường là số lượng lớn được dâng lên các ban, đặt tràn trên ban thờ (cũng như hàng nghìn đền, chùa khác) nhưng có ai dám chắc không xảy ra chuyện bị lấy cắp như từng xảy ra ở một số đền, chùa khác khi người đi lễ dâng hương hiểu biết còn hạn chế, nhất là bị hoang tưởng, mê hoặc bởi niềm tin mù quáng.
Còn đó, ý thức người dân mỗi khi đi thăm đền, nhất là ngày hội, lễ kỷ niệm vẫn còn để diễn ra nạn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Trong khu vực di tích, dưới danh nghĩa quảng bá văn hóa vùng miền từ phi vật thể đến vật thể, hàng trăm gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền được mở ra và kèm theo đó là rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm không được quan tâm, kiểm soát tốt. Công tác bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng trồng mới, chống sạt lở khi mở rộng quần thể di tích dường như cũng chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều công trình mới được xây dựng trông hoành tráng nhưng hiệu xuất sử dụng ra sao, bảo dưỡng nó thế nào để không lãng phí vì tần suất hoạt động cao điểm hàng năm cũng không nhiều.
Nhìn sang nước bạn, biết bao điều ta cần học: không đốt vàng mã, tiền, không dâng lễ vật tự do…thật dễ học, dễ thực hành mà ta chưa kiên quyết làm theo, chậm khắc phục. Nơi đây, là để tưởng nhớ, thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước, chứ không phải đến nơi này để cầu xin tài lộc, danh vọng, tiền bạc, giải hạn theo ý nghĩ nông cạn của không ít người.
Ở phía Nam, chính quyền địa phương và người dân cũng cho xây dựng Đền thờ Vua Hùng. Theo đó, nhân dân xung quanh đến chiêm bái, dâng hương cúng lễ rất thuận tiện. Biểu hiện lòng thành kính theo chữ TÂM ấy thật hợp lý khi nhiều người không hoặc chưa có điều kiện hành hương về đất Tổ Vua Hùng (tỉnh Phú Thọ) dâng hương các Vua Hùng.
Nhìn bức ảnh lịch sử Bác Hồ năm xưa, khi Người đang chỉ huy đại đoàn quân tiên phong vô cùng non trẻ ghé thăm Đền Hùng, lại nhớ lời của Bác: “ Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” . Thực hiện lợi dạy của Người, các thế hệ con cháu đã bảo vệ trọn vẹn đất nước trước những thế lực ngoại xâm trong suốt nhiều thập kỷ qua; đang tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc để xây dựng đất nước ta sánh vai với các cường quốc Năm Châu. Có được đất nước như ngày hôm nay, ai cũng chung một nghĩ suy là nhờ ơn tổ tiên, ông cha, là nhờ công ơn gây dựng đất nước của các vị Vua Hùng. Họ “ đưa đường chỉ lối” để con dân nước Việt, cả trong và ngoài nước đi tới ngày vui đại thắng, dựng xây đất nước phồn vinh thịnh vượng.
“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” – những ca từ đẹp, giàu triết lý cuộc sống ấy luôn nhắc nhớ mỗi người chúng ta về ngày Quốc Giỗ Vua Hùng. Ngày lễ thật linh thiêng. Mọi người đều được nghỉ ngơi, thoải mái để tưởng nhớ, để ngẫm ngợi, nghĩ suy về lịch sử dân tộc mình, đất nước mình. Dù có được đặt chân tại đền thờ Vua Hùng để tận thấy, tận hưởng không khí lễ hội hàng năm hay không, mỗi người dân nước Việt đều luôn tự hào khi nghĩ và hướng Tâm mình về mảnh đất Tổ Vua Hùng nơi có những “rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, nắng cháy sông Lô hò ô tiếng hát, bến phà rào rạt, bến nước Bình Ca, ai qua Phú Thọ, ai xuôi Trung Hà, ai vào khu 4, ai xuống khu ba…”
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng – Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao của Hùng Vương. Mỗi chúng ta hãy thắp lên trên ban thờ gia đình mình nén nhang tưởng nhớ về nguồn cội nơi các vua Hùng an tọa đang linh thiêng dõi theo và phù hộ cho dân tộc Việt, nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
VĂN HÙNG