Kỷ niệm ngày Người cao tuổi (1.10): Những thông điệp về người cao tuổi

Người cao tuổi luôn là mối quan tâm của các quốc gia nhất là những quốc gia đang trong giai đoạn già hóa dân số, thiếu nguồn nhân lực, những nước chậm phát triển, còn gặp nhiều khó khăn về an sinh xã hội.

Lẽ thường, nhiều người còn giữ quan niệm đã là người cao tuổi thì chỉ nên nghĩ đến nghỉ ngơi, thụ hưởng tuổi già. Nhưng cuộc sống lại muôn màu sắc. Mong muốn cá nhân không thể tách rời hoàn cảnh gia đình, xã hội, đất nước. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh. Câu ví ấy luôn là chân lý vững bền. Người thuận lợi thì hưởng cuộc sống tuổi già an nhiên, tự tại, nhưng cũng có người phải chịu cảnh  “hưu hắt”, cuộc sống thiếu thốn vất vả cả đời. Mỗi người một số phận là thế! Người cao tuổi luôn là mối quan tâm của các quốc gia nhất là những quốc gia đang trong giai đoạn già hóa dân số, thiếu nguồn nhân lực, những nước chậm phát triển, còn gặp nhiều khó khăn về an sinh xã hội.

Liên Hợp Quốc dự báo đến năm 2050, số người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng vọt lên 1, 3 tỷ người chiếm khoảng ¼ dân số ở khu vực này. Số người trên 60 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới. Sự già hóa dân số nhanh chóng tại các quốc gia vùng lãnh thổ trên khắp khu vực này không chỉ đặt ra câu hỏi ai sẽ chi trả cho lương hưu cao hơn, mà còn đặt ra thách thức về cách thức đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng tăng.

Kỷ niệm ngày Người cao tuổi (1.10): Những thông điệp về người cao tuổi - Ảnh 1

Nước ta đang gặp mâu thuẫn giữa thời kỳ dân số vàng với tình trạng già hóa dân số. Năm 2023 dân số Việt Nam đạt 100, 3 triệu người, 67, 5 % ở độ tuổi lao động, cơ hội dân số vàng, nhưng thách thức già hóa dân số hiện hữu với 2/3 đang ở độ tuổi lao động (15 đến 64 tuổi). Trong đó 20% có lương hưu, 30% hưởng trợ cấp xã hội, 50% người cao tuổi có thu nhập thường xuyên, nhưng 50% còn lại có thể là gánh nặng cho hệ thống an sinh. Việt Nam là cường quốc dân số: là 1/15 quốc gia đông dân nhất thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á, mật độ dân số lớn 300 người /km2 - quá tải dân số với tài nguyên đất hạn hẹp. Việt Nam là quốc gia già hóa dân số muộn nhưng tốc độ già hóa lại nhanh nhất thế giới. Từ già hóa dân số đến dân số già ngắn hơn rất nhiều.

Dự báo năm 2036 là thời kỳ dân số già và năm 2069 dân số rất già. Thành phố Hồ Chí Minh tốc độ già hóa dân số nhanh hơn trong cả nước. Thêm vào đó là nguy cơ thiếu hụt lao động khi mức sinh đang giảm, sinh không đủ hai con, kết hôn muộn, sinh con ít hay không muốn đẻ, ngại kết hôn, thích sống độc thân...đang trở thành xu thế phổ biến hiện nay trong các bạn trẻ.

Người già ở Việt Nam không hẳn tất cả họ đều tự thấy cuộc sống sau tuổi 60 là thích nghỉ ngơi không làm gì nữa. Thực tế chỉ ra rằng, rất nhiều người trong số họ dường như không có tuổi già, đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn cần mẫn làm việc không ngừng, tận hiến cho xã hội. Cũng như các quốc gia trên thế giới, thường thì những người giữ trọng trách lãnh đạo cao cấp trong hệ thống đảng, chính quyền ở trung ương, các cấp chiến lược luôn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Họ thường làm việc vượt tuổi 60, 70. Bộ phận người cao tuổi có lợi thế tiếp tục làm việc, cống hiến sau khi nghỉ hưu thường là những người đã từng làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghề báo, lĩnh vực văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học...

Hiện nay, nước ta đang triển khai áp dụng chế độ nghỉ hưu mới đối với người lao động: nam 62 và nữ 60 tuổi. Như thế, thời gian cống hiến cho xã hội sẽ nhiều hơn hẳn so với trước đây. Khái niệm người cao tuổi cũng đã đổi khác. Một bộ phận người hết tuổi lao động lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng hoàn cảnh gia đình, bản thân buộc họ vẫn phải lăn lộn kiếm sống bằng đủ nghề miễn sao có thêm thu nhập để lo cuộc sống. Xem ra số người có hoàn cảnh như thế không ít. 

Quan niệm 60 tuổi là tuổi già, là phải nghỉ hưu, là hưởng thụ đã thay đổi ở nhiều quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về nguồn nhân lực của mỗi nước. Ở nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…những người còn sức khỏe, trình độ, kỹ năng lao động vẫn đang được trọng dụng, được xem là nguồn lực quan trọng của đất nước, nhất là khi họ thiếu nhân lực lao động bởi già hóa dân số, tỷ lệ kết hôn và sinh sản thấp, liên tục suy giảm. Trái lại, các nước phát triển, khi thiếu nguồn nhân lực họ thường bổ sung bằng việc thuê lao động nước ngoài, cho phép người các nước nhập cư, lao động, sinh sống lâu dài hay vĩnh viễn ở nước họ.

Thực tế cho thấy, người cao tuổi nếu như được sử dụng đúng sở trường, sở đoản sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Người già không còn là gánh nặng xã hội, không bị coi là hiu hắt, trái lại còn là “cứu cánh” để đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng lao động, thiếu hụt nguồn nhân lực. Đã xuất hiện những khái niệm mới khá thú vị: thế hệ bạch kim, nền kinh tế tóc bạc. Những nhà lãnh đạo chính trị rường cột, nổi tiếng của nhiều quốc gia trên thế giới hẳn cũng nằm trong số đó. Cho dù họ đến lúc phải rời khỏi chính trường nhưng trí tuệ của họ vẫn luôn được đất nước mãi trọng dụng khi họ còn mẫn tiệp. Đó là nhận thức mới về tuổi già.

Hiện nay, thế giới cho rằng tuổi già được giới hạn trong khoảng 60- 90 tuổi. Nếu được quan tâm, chăm sóc chu đáo, được đảm bảo phúc lợi, sức khỏe sẽ trở thành nguồn nội lực quan trọng nhất của đất nước. Chăm lo toàn diện cho người cao tuổi có tác động quan trọng đối với các khía cạnh khác như hiệu quả công việc, an ninh kinh tế, gia đình và đời sống xã hội. Cần mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi dù điều này có thể tốn kém. Quan điểm hãy xây dựng nhiều cơ sở thể dục thể thao hơn lo xây dựng bệnh viện  luôn có chỗ đứng vững chắc khi hoạt động nâng cao sức khỏe toàn dân nếu làm tốt chính là PHÒNG BỆNH hơn CHỮA BỆNH luôn mang lại hiệu quả đích thực. 

Người cao tuổi ở nước ta đang tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu thống kê con số ấy không hề nhỏ. Ở các xã phường, thị trấn họ thường tham gia tổ dân phố, làm công tác đảng, an ninh trật tự, dân vận…luôn là cánh tay nối dài, chỗ dựa tin cậy, vững chắc của chính quyền cơ sở, lực lượng công an. Các tổ chức như Liên hiệp các Hội KHKT, VHNT, mặt trận, dân vận, báo chí, cơ sở y tế khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương…đều có sự góp mặt của người cao tuổi. Nhờ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn được tích lũy trong nhiều năm công tác cộng với điều lệ, cơ chế làm việc, môi trường hoạt động của các tổ chức này đã giúp họ phát huy tốt thế mạnh của mình để tiếp tục đóng góp cho xã hội. Cơ chế thị trường, kinh tế tư nhân cũng là sức hút mạnh mẽ, “đánh thức” với không ít người cao tuổi có tài tiếp tục tận hiến cho các doanh nghiệp kinh tế hàng đầu đất nước. Họ vừa được đãi ngộ xứng đáng, vừa được thỏa sức sáng tạo, tiếp tục khẳng định giá trị bản thân vì có “đất dụng võ”.

Hội Người cao tuổi Việt Nam là tổ chức chính trị chuyên chăm lo, dõi theo toàn diện người cao tuổi. Hy vọng Hội sẽ là cơ quan đấu mối kết hợp với các cơ quan chuyên sâu bộ, ban, ngành ở trung ương, địa phương nắm chắc mọi thông tin về người cao tuổi để có những đánh giá chính xác, sâu sắc, đầy đủ hơn. Dựa vào căn cứ thực tế ấy, Hội tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những quyết định đúng, hợp lý về người cao tuổi, nhất là việc chăm sóc toàn diện và khai thác hiệu quả nguồn nội lực này của quốc gia.

VĂN HÙNG         

Từ khóa: