Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10): Khơi dậy thế mạnh của phái yếu

Dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam hàng năm là cơ hội để chúng ta ngợi ca, chúc mừng, tri ân, biết ơn “nửa thế giới”. Mong sao mỗi ngày, mỗi năm Phụ Nữ Việt Nam càng thêm niềm vui mới, sức sống mới cùng với sự phồn vinh của dân tộc đất nước.

Hiếm có quốc gia, dân tộc nào có truyền thống tốt đẹp tôn vinh phụ nữ với những danh xưng như nữ tướng Hai Bà Trưng, Bà Triệu; Trưng Trắc, Trưng Nhị, lấy tên người phụ nữ có công với đất nước để đặt tên quận, huyện, đường phố: quận Hai Bà Trưng, phố Bà Triệu, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Diệu, Nguyễn Thị Nghĩa, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định… ở những thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Thời nay, tiếp tục có thêm nữ tướng công an, quân đội. Quân phục sĩ quan cấp tướng đã toát lên vẻ oai phong, rắn rỏi, nhưng vẫn nhận ra chất nữ tính trong ánh mắt, cử chỉ, nụ cười, sự giao tiếp trong cuộc sống của họ. Hình ảnh nữ tướng cưỡi voi, cưỡi ngựa, điều khiển ô tô, máy bay làm người ta liên tưởng đến khí chất oai hùng, niềm tự hào của đất nước đã có hàng nghìn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập dân tộc. Trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đều có sự tham gia của chị em với mức độ và số lượng khác nhau. Giờ đây, phụ nữ bình quyền, không ít người đã và đang đảm trách cương vị cao trong hệ thống Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Đó là thành tựu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của chế độ bình quyền nam nữ.

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10): Khơi dậy thế mạnh của phái yếu - Ảnh 1

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng với thế giới, hầu hết phụ nữ Việt Nam đã được “giải phóng” hoàn toàn khỏi những ràng buộc, cản trở của cơ chế cũ, tư duy lỗi thời, hủ tục lạc hậu. Mặc dù vẫn còn những khiếm khuyết hạn chế đây đó trong chính sách, luật pháp, cách ứng xử đối với phụ nữ nhưng hầu hết phụ nữ Việt Nam đã được thỏa sức thể hiện sở trường, sở đoản của mình trong môi trường sống, làm việc thuận lợi. Mọi khó khăn vướng mắc liên quan đến phụ nữ nếu được phát hiện, phản ảnh, kiến nghị đều được các cấp, ngành liên quan xử lý. Bởi, tôn trọng phụ nữ, phụ nữ là để yêu thương, chở che, nâng đỡ đã trở thành triết lý sống, văn hóa ứng xử trong đời sống người Việt Nam.

Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ sáng tạo, phát huy năng lực, sở trường của mình, làm việc, học tập, phấn đấu không ngừng vươn tới ước mơ, thỏa mãn niềm đam mê của mình. Thành tích của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực đời sống đã minh chứng cho điều này. Thế kỷ 20, phụ nữ được ghi nhận trong câu nói nổi tiếng “Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang”.

Bước sang thế kỷ 21, truyền thống ấy vẫn được giữ vững và bổ sung bằng những phẩm chất mới: năng động, sáng tạo, dấn thân cống hiến cho xã hội, đất nước. Họ không những giỏi việc nước, đảm việc nhà mà  còn dám bứt phá, không chỉ nhẫn nại với thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm dâu thuần khiết để đảm trách nhiều vai trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Phụ nữ là doanh nhân, là chính khách, là sĩ quan, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, là nhà khoa học, là nhà giáo, là nghệ sĩ, là nghệ nhân trong các nghề truyền thống…Họ kết tinh trong mình phẩm chất tốt đẹp truyền thống và hiện đại; dám dấn thân, hy sinh niềm vui cá nhân để phụng sự cộng đồng, tận hiến cho sự nghiệp, xã hội. Đã quá quen với câu tổng kết: đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ. thì nay có thể nhận xét ngược lại.

Phụ nữ cũng như nam giới, muốn khẳng định mình, tự do, tự thân lập nghiệp, cháy hết mình với đam mê, thử thách bản thân để khẳng định thế mạnh tiềm ẩn trong “phái yếu”. Không ít phụ nữ, nếu có cơ hội, môi trường thích hợp sẽ hy sinh hạnh phúc cá nhân để theo đuổi ước mơ của mình, như sự nghiệp chính trị, khoa học, văn học nghệ thuật, y tế giáo dục…Không có sự cảm thông chia sẻ của người thân, họ không dễ vượt qua rào cản truyền thống để thành công. Đương nhiên, cũng không ít phụ nữ thành công vẹn cả đôi đường công việc chung riêng.

Cũng như cánh mày râu, phụ nữ cũng là con người, rung động, mềm lòng, yếu đuối, bị cám dỗ bởi mặt trái xã hội. Vì tham vọng chính trị, quyền lực, tiền bạc, danh vọng, theo đuổi lối sống “khác người:…một bộ phận chị em ở các lứa tuổi khác nhau, đã mắc lỗi dưới nhiều hình thức, mức độ như tham nhũng, lừa đảo, vướng vào tai tệ nạn xã hội; cờ bạc, lối sống đồi trụy bê tha…gây hệ lụy xấu cho xã hội và gia đình. Mặt trái của xã hội kinh tế thị trường, hội nhập tác động mạnh đến mọi giai tầng xã hội,  có những chị em tham sân si, sống gấp, bất chấp tất cả có khi cầm đầu đường dây buôn bán ma túy, buôn người, lừa đảo …chẳng thua kém đàn ông để rồi vướng vào tình, tù, tội…

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác nhau có nhiều cách làm sáng mới mẻ, tạo sân chơi, môi trường sống và làm việc, thư giãn tinh thần cho phụ nữ phù hợp với mức sống và tư duy của phụ nữ thời đổi mới, hội nhập, hiện đại. Tư duy về cuộc sống của phụ nữ hiện nay đổi khác rất nhiều. Họ biết quý trọng bản thân, bớt đi sự tự ti, ỷ nại, không chỉ thụ động dựa vào sự quan tâm của người khác. Ở từng lứa tuổi họ luôn phấn đấu vươn lên, cháy hết mình với công việc, mưu sinh song lại biết thụ hưởng những gì mình làm ra, không còn lối nghĩ bo bo tích cóp cho con cháu.

Hội trường, hội khóa, hội lớp, hội đồng hương, sinh nhật riêng chung…đám cưới vàng, tổ chức đi tham quan du lịch trong và ngoài nước…cùng nhiều hoạt động đa dạng, muôn màu sắc được chị em tổ chức đã đẩy lùi mệt mỏi cuộc sống hàng ngày, bồi đắp đời sống tinh thần của mọi lứa phụ nữ. Họ cần được bổ sung bằng “liều thuốc” dân dã thông qua giao lưu tình cảm gắn kết yêu thương. Họ biết chăm sóc sức khỏe không bằng thuốc, mà còn là công nghệ dưỡng da, làm đẹp, thể dục thể hình, múa kiếm, khiêu vũ truyền thống và hiện đại, tập yoga, thiền… cùng với chế độ ăn uống hợp lý để kéo dài tuổi trẻ. Những hoạt động ấy làm cho cuộc sống của phụ nữ có ý nghĩa hơn. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Sống vui, khỏe, có ích là triết lý nhân sinh của phụ nữ hiện đại - không có tuổi, không gì là không thể. Không quá lệ thuộc vào điều kiện kinh tế, thu nhập, nhiều chị em còn khó khăn nhưng họ biết phân phối hợp lý điều kiện vật chất để luôn sống lạc quan, yêu đời, yêu người, sống có trách nhiệm, hòa đồng với cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, biến nó thành niềm vui, lẽ sống của mình.

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10): Khơi dậy thế mạnh của phái yếu - Ảnh 2

Đàn ông là cái cột, đàn bà là cái nóc nhà. Quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Nhà dột từ nóc là sự chê bai về một gia đình mà trong đó có con cái hư hỏng. Sự nêu gương, quan tâm chăm lo nuôi dạy của người làm cha, làm mẹ luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cái nóc (người đàn bà) mà thủng, mà hỏng, cái cột (người đàn ông) không vững, bị nghiêng vẹo, đổ thì đương nhiên mái ấm gia đình không thể tồn tại với thời gian. Nói về phụ nữ cần đặt trong mối quan hệ với đàn ông. Như thế mới tạo nên sự cân bằng hoàn thiện. Sự bổ sung sẻ chia, cộng hưởng giữa hai phái vốn được coi là “mạnh” và “yếu” giờ vẫn được coi là chìa khóa của mọi thành tựu, thành quả, thành công. Quan tâm đến phụ nữ trước hết là trách nhiệm của mọi người đàn ông. Phụ nữ là được yêu thương, trở che, bảo vệ, nâng niu, tôn trọng. Hiểu đúng và làm tròn trách nhiệm của mình với chị em là niềm tự hào của cánh mày râu. 

Mỗi dịp kỷ niệm ngày tôn thờ phái yếu, phái đẹp, phái nữ, chúng ta hãy nhìn lại đời sống của phụ nữ Việt Nam. Thấy được thành tựu cần gìn giữ và phát huy; thấy mặt bất ổn, khiếm khuyết, yếu kém bất cập để điều chỉnh kịp thời. Dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam hàng năm là cơ hội để chúng ta ngợi ca, chúc mừng, tri ân, biết ơn “nửa thế giới”. Mong sao mỗi ngày, mỗi năm Phụ Nữ Việt Nam càng thêm niềm vui mới, sức sống mới cùng với sự phồn vinh của dân tộc đất nước.

VĂN HÙNG