Kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10): Chủ động phòng chống thiên tai và nhân tai

Những năm gần đây, bởi nhiều nguyên do, trong đó có biến đổi khí hậu cực đoan, thiên tai dồn dập gây nên hệ lụy khôn lường với nhiều quốc gia trên toàn cầu. 

Tại hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu hàng năm, thông điệp từ người đứng đầu các tổ chức liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của con người liên tục phát đi thông tin cảnh báo mạnh mẽ, thuyết phục khoa học đến mọi người.

Tiếc rằng, hầu hết các quốc gia đều thống nhất với đánh giá, nhận định mức độ nguy hiểm, nguyên nhân và giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu cần triển khai nhưng thực tế hành động đến mức độ nào của mỗi quốc gia vẫn đang là câu hỏi chưa có lời đáp. Lỏng lẻo, nhạt nhòa, thái độ thiếu mặn mà trong phối hợp, sẻ chia giữa các quốc gia, nhất là các nước giàu có trong phòng chống thiên tai làm chúng ta lo lắng. Chẳng hạn, thực hiện cam kết kìm hãm sự tăng nhiệt độ trái đất bằng các giải pháp: hạn chế đi đến xóa dần sử dụng năng lượng hóa thạch, thay thế bằng khai thác sử dụng năng lượng tự nhiên, tái tạo (gió, năng lượng mặt trời, nước...); hạn chế rác thải công nghiệp độc hại, gây ô nhiễm môi trường chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10): Chủ động phòng chống thiên tai và nhân tai - Ảnh 1

Điều đáng mừng là, với năng lực khoa học, một số quốc gia có khả năng dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác những thay đổi bất thường của thiên nhiên, khí hậu, thiên tai. Nhờ đó, phần nào con người chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra. Xây dựng hệ thống cảnh báo hiện đại có khả năng dự báo, cảnh báo từ sớm, từ xa, độ chính xác cao giúp con người tránh được “tai ương”, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Sau trận lũ lụt ở Libya với những đau thương mất mát lớn, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho rằng, hầu hết trong số hàng ngàn người thiệt mạng ở trận lũ lụt chưa từng có tại Libya “có thể đã được cứu” nếu các hệ thống cảnh báo sớm và việc quản lý tình trạng khẩn cấp hoạt động tốt. Hậu quả sau các trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Nhật Bản, lũ lụt ở Trung Quốc, Indonesia, Philippin, Ấn Độ...vẫn còn ám ảnh mọi người bởi sự tàn phá khủng khiếp.

Thiên tai thường được hiểu là tai họa mang tính khách quan tự nhiên, con người khó đoán định và can dự được. Song, thực tế cuộc sống đã minh chứng, biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gia tăng có phần lỗi không nhỏ của con người. Người ta hay gọi là NHÂN TAI. Phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ làm thủy điện, xây hồ tích nước, lấy đất trồng trọt, chăn nuôi; khai thác tài nguyên thiên nhiên bất chấp pháp luật; san lấp đồi núi làm các công trình hạ tầng, cơ sở sản xuất, nhà ở; sử dụng năng lượng hóa thạch phục vụ sản xuất, cuộc sống; xả bừa bãi rác thải sinh hoạt và công nghiệp, sử dụng máy điều hòa, nhà kính gây ô nhiễm môi trường,  tăng nhiệt độ trái đất...Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra nguyên nhân của biến đổi khí hậu cực đoan, lũ lụt, ô nhiễm môi trường sống con người.

Thế giới hội nhập sâu sắc và toàn diện, khó khăn và thuận lợi của quốc gia này ít nhiều cũng tác động đến quốc gia khác. Hành tinh trái đất là của chung loài người, của mọi quốc gia, vì thế, ý thức bảo vệ cuộc sống của mỗi người, mỗi quốc gia luôn ảnh hưởng lớn đến sự sống của toàn nhân loại. Nước giàu, nước phát triển có kiến thức kinh nghiệm và điều kiện kinh tế để chống biến đổi khí hậu, phòng chống hiệu quả, giảm rủi ro thiên tai cần chia sẻ, giúp đỡ các nước nghèo, chậm phát triển khắc phục tác động thiên tai để cùng tồn tại, phát triển hạnh phúc.

Việt Nam là một trong nước ở tốp đầu chịu ảnh hưởng thiên tai. Là quốc gia mới thoát nghèo, nguồn lực kinh tế còn khiêm tốn, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội  cần đầu tư tiền bạc để giải quyết. Hoạt động phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai lại cần nguồn tiền không nhỏ; quản lý, sử dụng sao cho hiệu quả, không bị thất thoát, lãng phí. Vụ vỡ đập gây lũ quét ở Libya có nguyên nhân tham nhũng, tiêu cực, là bài học chung cho bất cứ quốc gia nào. Nhiệm vụ PHÒNG vẫn phải luôn được ưu tiên hàng đầu. GIẢM NHẸ RỦI RO thể hiện tâm thế chủ động lường trước những hệ lụy mà thiên tai gây ra; cảnh báo trước, từ sớm, từ xa là giải pháp chiến lược để PHÒNG có hiệu quả. Thực tế, nhiều quốc gia có khả năng nhận biết được quy luật và hậu quả của thiên tai nhưng “lực bất tòng tâm” vì còn nghèo, ăn chưa đủ no làm sao lo chuyện khác. Những tồn tại, mâu thuẫn ấy đang hiện hữu khá phổ biến ở nhiều nước.

Thiệt hại do thiên tai gây ra vô cùng nan giải, không chỉ về kinh tế mà còn là vấn đề xã hội- an ninh. Động đất ở Morocco làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này bởi nguồn thu từ du lịch quốc gia đóng góp phần lớn ngân sách đất nước. Hơn thế, sau sự cố thiên tai, cuộc sống người dân bất ổn bởi thường xảy ra nạn trộm cắp, hôi của, lừa đảo...an ninh xã hội xáo trộn.

Việt Nam cũng đã và đang gánh chịu rủi ro thiên tai bởi thời tiết diễn biến bất thường: khi thì nắng hạn kéo dài, hạn hán, cháy rừng; khi thì mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, nước biển dâng, nước mặn xâm thực đất liền, vỡ đê chắn sóng,...Hậu quả thiên tai diễn ra hàng năm, tần suất, mức độ khác nhau nhưng xu hướng ngày một phức tạp. Hạn chế và đẩy lùi tác động tiêu cực của con người vào chính môi trường sống của mình là vấn đề vô cùng hệ trọng được nhiều quốc gia quan tâm, thế giới kêu gọi. Châu Âu đã ra quy định nghiêm ngặt, như không nhập khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp có được từ việc phá rừng tự nhiên. Bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được xem là “ bí quyết” để giữ đất, giữ nước, môi trường sống. Những kinh nghiệm truyền thống, thuận lợi triển khai, như trồng rừng ( bán chứng chỉ các- bon đang được triển khai bước đầu); trồng cây đước, sú vẹt, tràm...tạo nên phòng hộ ven biển; xây kè chắn sóng; trồng cây tre giữ đê nơi các dòng sông cần được duy trì và nhân rộng mạnh mẽ. Kiên quyết tập trung xử lý triệt để vấn nạn lâm tặc, cát tặc, thủy tặc, đất tặc, rác tặc; cán bộ, nhân viên, người dân, quan chức biến chất, câu kết, tiếp tay kẻ xấu...mới hy vọng loại trừ tối đa đối tượng gây nên NHÂN TAI gián tiếp.

Kinh nghiệm phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu từ các quốc gia, nhất là các nước phát triển được thông tin đều đặn thường xuyên mỗi ngày rất hữu ích với mọi quốc gia. Nước ta đang trong thời kỳ cao điểm của thiên tai, bài học kinh nghiệm từ các quốc gia có rủi ro thiên tai và điều kiện kinh tế- xã hội tương đồng đáng để chúng ta tham khảo, học tập và vận dụng tối đa. Không chỉ cần quyết tâm chính trị mà hơn thế còn cần thứ tự ưu tiên, giải pháp căn cơ, nguồn lực, năng lực quản trị tương xứng để ứng phó lâu dài, hiệu quả với thiên tai trong quá trình xây dựng quốc gia phát triển bền vững.

 VĂN HÙNG