Kỷ niệm Ngày vì người nghèo – Thế giới phòng chống đói nghèo (17/10): Lá lách đùm lá rách

Người Việt Nam thường truyền nhau những câu nói, như: “Thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách; lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đó cũng là đạo lý, truyền thống “tương thân tương ái” truyền đời suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta.

Mỗi giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử, biểu hiện sự quan tâm có thể khác nhau về hình thức, cách tiếp cận nhưng bản chất nhân văn, nhân bản, đạo đức không hề đổi thay. Nhờ đó, dân tộc, đất nước, quốc gia mới trụ vững trước những bão giông lớn, nhỏ, khúc quanh lịch sử. Đó cũng là niềm tự hào của người Việt Nam ta trước bạn bè quốc tế. 

Kiều bào ta ở nước ngoài hay người đang sống trong nước đều dõi theo nhau, sướng vui, no đủ hay thiếu thốn, hoạn nạn để sẻ chia, động viên nhau hết mực chu đáo, kịp thời. Trong thời gian dịch Covid- 19 hoành hành, càng thấu hiểu sâu hơn, vững chắc hơn tình cảm “người với người sống để yêu nhau”. Trong thời kỳ chống Pháp, với tư cách người đứng đầu đất nước, Bác Hồ đã phát động phong trào “ hũ gạo kháng chiến”, chống, diệt giặc đói, giặc dốt. Biết cách thắng giặc “nội xâm” mới thắng được giặc ngoại xâm. “ Có thực mới vực được đạo” hàm chứa tinh thần đoàn kết toàn dân để vượt qua mọi khó khăn thách thức của dân tộc nhược tiểu, đói nghèo “ rũ bùn đen đứng dậy chói lòa”. 

Kỷ niệm Ngày vì người nghèo – Thế giới phòng chống đói nghèo (17/10): Lá lách đùm lá rách - Ảnh 1

Không thể kể hết các chủ trương, sáng kiến của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội trong khai triển hoạt động đẩy lùi đói nghèo, xóa đói, giảm nghèo. Phương châm chiến lược luôn được đặt lên hàng đầu là “ cho người nghèo cần câu chứ không chỉ là xâu cá”. Để thoát nghèo, cần nguồn lực vật chất không nhỏ, trong điều kiện tiềm lực kinh tế của ta còn khiêm tốn, cần  tạo điều kiện, môi trường, hướng dẫn cách thoát nghèo cho mọi người mới là tạo “gốc vững” để thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta khá thấp, song những người còn khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần vẫn chiếm số lượng không nhỏ.

Truyền thông thường xuyên chia sẻ thông tin về những hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương, địa bàn nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc ít người, hạ tầng giao thông chưa phát triển, dân trí hạn chế... cuộc sống còn nghèo khó. Nổi lên những năm gần đây là chuyện các điểm trường bán trú dân tộc vùng cao các em học sinh còn thiếu cái ăn, cái mặc, cơ sở học tập, nơi ở nội trú, nơi nấu ăn xuống cấp đến mức cực khổ. Theo đó, chế độ đãi ngộ với giáo viên còn nhiều bất cập, khó khăn chồng chất...

Từ những hình ảnh, thông tin “người thực việc thực, tai nghe, mắt thấy” nhiều chương trình, dự án, hoạt động thiện nguyện ra đời, triển khai đã đổi thay căn bản cuộc sống, việc học tập của thầy cô trò ở hàng chục điểm trường.

Đội công tác xã hội thanh niên TPHCM là mô hình đầu tiên tại TPHCM gắn kết những bạn trẻ giàu lòng nhân ái cùng mong ước làm việc thiện giúp đời, giúp người. Năm năm trở lại đây, từ các nguồn vận động được, đội đã thực hiện 30 hành trình “Hoa nhân ái” chăm lo cho người dân, trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở xã hội, huyện ngoại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Mỗi chương trình có kinh phí hơn 400 triệu đồng. 123 ngày “ tại chỗ” chống dịch- ; hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó; tiếp sức đến trường (báo Tuổi trẻ); chương trình “ Cặp lá yêu thương” (VTV); phong trào thiện nguyện của doanh nghiệp, doanh nhân, tập đoàn kinh tế, ngân hàng, “quỹ vì người nghèo” từ trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông (như các báo, đài: Nhân dân, QĐND, TTX, Tiền Phong, Lao Động, Dân trí, Người lao động, Tuổi trẻ, ...) ủng hộ nguồn tài chính xây trường, lớp, nơi ăn chốn ở cho học sinh và thầy cô; chăm lo nâng cao chất lượng bữa ăn, đồ dùng học tập; nhiều nữa là góp kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện...

Thực tế là còn không ít điểm trường ở các vùng xa, vùng sâu, vùng núi đang thiếu chỗ ở, lớp học an toàn; thiếu phòng ăn, ở cho các thầy cô. Thấy bữa ăn của các em nhỏ ở điểm trường bán trú ai cũng xúc động. Ăn chưa no, chưa dám nghĩ đến đủ chất. Cơm không có thức ăn. Gói mì tôm nấu loãng với chút rau xanh thành bát canh cho bữa ăn ngập tràn tiếng cười. Có thêm chút thịt, đồ ăn khác là các em vui lắm. Ánh mắt và khuôn mặt rạng rỡ.  Cuộc sống ở nhiều điểm trường bán trú đang cần sự chung tay giúp đỡ của xã hội. Theo đó, nhiều chương trình dự án dưới các tên gọi “ Bữa cơm có thịt”, “Quân đội chung sức xây dựng Nông thôn mới”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” ;“ Hành trình quân đội chung tay vì người nghèo”; “ Sinh viên vượt khó” – không để ai bị bỏ lại phía sau đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn từ các đơn vị quân đội, doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân, tổ chức xã hội thiện nguyện.

Khái niệm “người nghèo” cần được hiểu một cách mở rộng hơn, linh hoạt hơn không chỉ cụ thể một người, một gia đình mà còn là những vấn đề an sinh xã hội, khắc phục khó khăn trong nhiều lĩnh vực của đời sống, như hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế (chăm sóc sức khỏe), xóa đói giảm nghèo. Con số thống kê, đánh giá chỉ mang tính tương đối, luôn biến động không ngừng, không thể sát được thực tế cuộc sống. Một người, một gia đình hôm nay có cuộc sống bình thường, đầy đủ, nhưng vì bất trắc, sự cố nào đấy họ trở thành đối tượng cần giúp đỡ. Những gia đình bị hỏa hoạn tại chung cư mini ở Phường Khương Hạ, Khương Đình ( quận Thanh Xuân, Hà Nội)  là ví dụ cụ thể. Còn không ít địa chỉ, số phận con người, gia đình cụ thể cần sự giúp đỡ của cộng đồng sau khi có thông tin đến xã hội dưới nhiều hình thức. 

MXH cũng góp phần không nhỏ lan tỏa, thông tin và kết nối tình yêu thương của đồng loại đến với những người có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống éo le, những góc khuất của cuộc đời vốn ngắn ngủi. Đoàn Quốc Huỳnh (41 tuổi, ở Thủ Đức, TPHCM) với trẻ em người Mông ở xã Bản Mù, Trạm tấu, Yên Bái được gọi là người tạo “ chiếc cầu nối bác ái’ giúp người nghèo, tham gia nhiều chuyến thiện nguyện và ấp ủ sau này sẽ làm “ một điều gì đó” giúp người nghèo bất hạnh. Chỉ cần một tấm lòng sống tình yêu thương. Lại nữa, người Việt ta trong hay ngoài nước mỗi khi nghe tin ai, ở đâu có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn cũng tìm mọi cách để giúp đỡ, dù ít hay nhiều. Nét đẹp truyền thống ấy luôn cần được gìn giữ và ngày càng tỏa sáng. Thật khó kể hết những câu chuyện cụ thể mà mọi người đã làm vì người nghèo, cho người nghèo.

Xã hội hóa hoạt động xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững luôn là mục tiêu chiến lược mà Đảng, Chính phủ kiên trì, quyết liệt triển khai. “Không ai bị bỏ lại phía sau” là tư tưởng nhất quán. Nhiệm vụ đó còn phải thực hiện lâu dài, bởi có những địa bàn, địa phương, khu vực dân cư muốn thoát nghèo phải giải quyết triệt để, toàn diện, đồng bộ các vấn đề: hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế... Nghĩa là, phải nâng cao dân trí, học chữ, học nghề, hướng dẫn tạo việc làm cho mọi người, tạo điều kiện kinh tế -xã hội phát triển.

Xã hội hóa hoạt động vì người nghèo là hướng đi đúng, phù hợp với thực lực kinh tế đất nước còn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Sự hỗ trợ có trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong đó có mạng xã hội thực sự hữu ích cho các hoạt động vì người nghèo. Trước khi triển khai các hành động vì người nghèo, rất cần phải thẩm định kỹ càng tính chân xác của thông tin. Tiếp đó là cách chia sẻ vật chất và tinh thần cho cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn sao cho bớt khâu trung gian, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, bền vững.       

VĂN HÙNG