Kỹ thuật cắt chè Thái Nguyên là biện pháp cắt bỏ một phần sinh khối (thân, cành lá) nhằm tập trung dinh dưỡng thúc đẩy sinh trưởng, kích thích quá trình bật búp. Cắt chè có mục đích cắt bỏ những cành chè già cỗi, tăm hương sâu bệnh sau một năm thu hoạch để thay bằng những cành non sung sức hơn. Nhằm tạo cho cây chè có bộ khung tán to khoẻ, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán có độ cao hợp lý nhằm dễ thu hoạch, đồng thời tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi nguyên liệu.
Sau khi trồng một năm tuổi nương chè có trên 70% số cây cao từ 65 - 70 cm, đường kính gốc từ 1,0 cm trở lên thì bắt đầu cắt tạo hình, cắt thân, cành chính cách mặt đất từ 25 - 30 cm. Khi nương chè 2 - 3 năm tuổi, mỗi năm cắt cao lên so với năm trước từ 3 - 5cm.
Năm thứ 4 cắt phớt ngọn, cành cao thêm 3 cm so với vết cắt tạo hình của năm thứ 3, hằng năm cứ duy trì khoảng cách cắt từ vết cũ so với vết cắt mới chừng 3 cm cho tới khi cây chè phát triển đạt đến độ cao chừng 70 cm so với mặt đất thì hàng năm chỉ cắt cao thêm 1 cm so với vết cắt cũ, đồng thời cắt tỉa những cành chè mọc ở thấp dưới tán nhằm mục đích cho thông thoáng, ngừa sâu bệnh hại.
Cây chè bắt đầu cho sản lượng nhiều từ năm thứ năm khi đã cắt phớt nhiều năm, vết cắt đã cao từ 90 - 95 cm so với mặt đất, chè nhiều cành tăm nhỏ, có xuất hiện tóc mọc bám xung quanh thân, cành, búp chè nhỏ dần, cây sinh trưởng kém hơn, hay vàng lá, năng suất giảm thì tiến hành đốn lửng cách mặt đất 60 - 75 cm, để cây chè mọc mầm mới từ chính thân, cành từ đó sẽ giúp cải thiện năng xuất, chất lượng chè tươi nguyên liệu và thuận tiện cho việc thu hoạch.
Đối với phương pháp cắt đốn đau hay còn gọi là cắt đốn trẻ lại thì cần cân nhắc kỹ lưỡng nhưng yếu tố như: giống chè bản địa (chè trung du) hay là chè cành, nếu là giống chè cành thì thực tiễn cho thấy phương pháp cắt đốn đau không đạt hiệu quả như giống chè bản địa (trung du), nếu sau cắt đốn đau đối với các giống chè cành mà không chăm sóc tốt có thể dẫn tới chết cây hoặc khả năng phát triển không cao.
Hằng năm tiến hành cắt chè một lần sau 6 - 8 vụ thu hoạch, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chế độ chăm sóc và kế hoạch sản xuất kinh doanh thì người nông dân sẽ quyết định cắt chè vào cuối mùa thu, đầu muà đông hoặc để thu hoạch xong lứa chè xuân mới tiến hành cắt vào mùa xuân.
Trang thiết bị phục vụ cắt tỉa cành, tán cây chè như: máy cắt chuyên dụng, dao kéo.... sau khi cắt người nông dân tiến hành làm sạch phần cành chè còn vương lại trên mặt tán cây chè và nhổ sạch cỏ dại mọc trong gốc cây chè, nhất là cây thòng bong, cây dương sỉ,.. rồi tiến hành bổ sung phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục, đồng thời tưới nước để cây chè sinh trưởng tốt chuẩn bị cho lứa chè mầm đầu tiên.
Hoàng Tuấn