Kỹ thuật chăm sóc chè vụ xuân

Trong các mùa trong năm thì vụ chè xuân được người làm chè và người thưởng trà mong chờ nhất bởi sau mấy tháng cây chè ngủ đông và tích luỹ dinh dưỡng cho một chu kỳ sinh trưởng mới. Sang mùa xuân, trời hửng nắng ấm, mưa phùn lất phất đặc trưng của miền Bắc, cây chè bắt đầu nảy lộc, búp chè mập mạp, xanh tốt. Chính bởi có thời gian dài hấp thụ khí trời, dưỡng chất từ đất nên hương vị chè xuân với hương vị đăc trưng luôn được xếp vào loại trà hảo hạng.

Nắng ấm mùa xuân trên nương chè ở Thái Nguyên.
Nắng ấm mùa xuân trên nương chè ở Thái Nguyên.

Hiện nay, Thái Nguyên là địa phương có diện tích và sản lượng chè dẫn đầu cả nước. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha.

Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha, cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ (5 ha đạt tiêu chuẩn IFOAM và 60 ha đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017).

Để có được những sản phẩm trà vụ xuân chất lượng hảo hạng thì những người nông dân ở Thái Nguyên đã phải dành nhiều thời gian chăm sóc, tiền của để đầu tư phân bón hữu cơ, vi sinh...

Vụ xuân thời tiết ấm dần lên và có mưa phùn nên  cỏ non mọc nhanh và nhiều, vì vậy cần phải cắt ngắn cỏ dại bằng máy chuyên dụng ở  giữa 2 hàng chè đồng thời dùng tay nhổ cỏ quanh gốc chè, nên nhân công ở bước này khá tốn kém.

Người nông dân cắt cỏ cho nương chè.
Người nông dân cắt cỏ cho nương chè.
Người nông dân bón phân chuồng ủ với Trichoderma cho nương chè.
Người nông dân bón phân chuồng ủ với Trichoderma cho nương chè.

Sau khi cắt ngắn cỏ bằng máy chuyên dụng thì dùng cuốc sâu từ 5-10 cm, bề rộng chừng 20-40cm giữa 2 hàng chè làm cho đất thoáng khí và bổ sung lượng từ 2 đến 3 tấn phân chuồng ủ hoai mục với tritroderma, than sinh học, hoặc phân hữu cơ vi sinh cho 1 ha chè kinh doanh nhằm bổ sung dưỡng chất cho cây chè và giúp đất tơi xốp hơn. Đồng thời tưới nước cho nương chè để giúp chúng có thể hấp thu được dinh dưỡng và cung cấp nước cho sự sinh trưởng của cây.

Nhằm hạn chế sự trú ngụ và phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại người dân tiến hành phát quang bụi rậm ở ven đường lô chè, cắt tỉa tán, nạo vét mương dẫn nước xung quanh lô chè để chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới nước mưa sẽ thoát tốt không bị tràn vào lô chè làm rửa trôi đi đất màu. Phòng trừ sâu bệnh hại, nông dân tiến hành kiểm tra thường xuyên nương chè để phát hiện có rầy xanh, hoặc bệnh thán thư gây hại. để có biện pháp xử lý bằng chế phẩm sinh học phù hợp.

Thu hoạch chè xuân cần chú ý thu hoạch khi nương chè vừa đủ tuổi hái, không để chè quá tuổi thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng chè tuơi  nguyên liệu phục vụ cho chế biến.

HOÀNG TUẤN