Kỳ vọng bước đột phá của ngành chè trong năm 2021

Để ngành chè có bước đột phá, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Phục hồi trong khó khăn

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong tháng 1/2021, xuất khẩu chè của nước ta đã tăng tới 25,8% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, khối lượng xuất khẩu chè tháng 1/2021 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 16 triệu USD, Pakistan đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam với 37,9% thị phần.

Tại thị trường thế giới, các cuộc đấu giá của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor Ấn Độ (CTTA) khởi đầu năm 2021 với mức giá trung bình đạt 134,73 Rs/kg, tăng 20,36 Rs/kg so với phiên cuối năm 2020 trước khi đóng cửa cho Giáng sinh và Tết dương lịch. Giá chè tăng bởi nhu cầu từ những người mua nước ngoài khi các loại chè Bắc Ấn không có mặt trên thị trường do ngưng thu hoạch vào mùa đông.

Mặt hàng chè xuất khẩu cũng khởi đầu một năm với mức giá trung bình tốt tại phiên đấu giá Mombasa, Kenya hàng tuần sau khi liên tục sụt giảm vào năm ngoái. Mặc dù vẫn thấp hơn mốc 2 USD/kg, đạt trung bình 1,94 USD/kg nhưng vẫn cao hơn mức đóng cửa vào năm ngoái ở mức trung bình là 1,87 USD/kg, báo hiệu lợi nhuận tốt cho nông dân trong năm nay.

Nâng cao chất lượng, kỳ vọng bứt phá

Theo các chuyên gia nghiên cứu ngành chè, để nâng cao chất lượng của chè Việt Nam, cần có quy hoạch cụ thể và giao cho các doanh nghiệp triển khai, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ từ khâu cây giống, phân bón, khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm chè. Có cơ chế giao đất cho doanh nghiệp xây dựng vùng chè mẫu, chuyên canh, hỗ trợ vốn cũng như ưu đãi về thuế nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là tại thị trường quốc tế.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Đẩy mạnh trồng thay thế diện tích chè cũ, kém hiệu quả bằng các giống mới. Hướng dẫn người trồng chè, đơn vị chế biến áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn: VietGAP, HACCP, hữu cơ, Rainforest Alliance, thương mại bình đẳng… và các tiêu chuẩn quốc tế khác để nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm đúng quy trình, quy định, nâng năng suất chè.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm sử dụng; bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến chè.

Đẩy mạnh thực hiện thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện trồng chè tập trung với năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến có quy mô hợp lý, thiết bị, công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu tạo ra những nhân tố mới, tiên tiến, tạo sự thay đổi về chất trong phát triển ngành chè.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất chè cần có các chuyến thâm nhập thị trường thế giới nhằm để nắm nhu cầu cụ thể của khách hàng về chủng loại chè, yêu cầu về chất lượng chè, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nhà sản xuất chè nổi tiếng của nước ngoài về bí quyết công nghệ, nhãn mác bao bì, xúc tiến thương mại, dịch vụ thị trường… Một sự thật là, nếu không nâng cao chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ không có khả năng cạnh tranh.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, mục tiêu tổng quát định hướng ngành chè và chương trình hoạt động của PPP chè trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hướng tới: Quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật bền vững trong ngành chè Việt Nam; cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam thông qua Tăng cường hiệu quả hoạt động của nhóm Hợp tác Công tư.

Hiện tại cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123.000 ha. Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu 130.000 tấn chè, đạt 200 triệu USD mỗi năm. Đó là những dấu hiệu tốt đẹp cho sản xuất chè Việt Nam. Những người làm chè Việt Nam hoàn toàn có quyền hy vọng ngành chè Việt sẽ có những bước đột phá mới trong năm 2021.

H.An