Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tạo cây chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập Nhân dân, xã Tà Mung đã rà soát diện tích đất trống đồi núi trọc, đất sản xuất nghèo kiệt ở các bản để đưa cây chè vào trồng. Ngay từ thời kỳ kiến thiết cơ bản, xã phối hợp cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân đến trồng, chăm sóc. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân về cây chè, tiến tới xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông–lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các bản và người dân; đến nay, toàn xã đã thực hiện trồng mới trên 200ha chè.
Tại bản Hô Ta, trước đây, hầu hết các gia đình đều sử dụng diện tích đất của gia đình để trồng ngô. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhưng từ khi có chủ trương đưa cây chè lên vùng cao Tà Mung, các gia đình tại bản Hô Ta đều phấn khởi khi có cây công nghiệp mới vào canh tác. Tham gia dự án, các hộ gia đình đều được hỗ trợ giống, phân bón, tiền chuyển đổi đất, trồng xen cây đậu tương, cây lạc; sản phẩm chè sau này sẽ có doanh nghiệp thu mua nên các gia đình cũng yên tâm gắn bó.
Còn người dân bản Lun, lúc đầu vẫn e dè chưa tin cây chè có thể thích nghi, phát triển ở vùng đất nơi đây. Nhưng khi được tận tay trồng, chăm sóc cây chè, chứng kiến cây chè lớn lên từng ngày, người dân nơi đây mới tin trên vùng đất bạc màu này, cây chè có thể sinh trưởng tốt như vậy.
Có thể khẳng định, giờ đây cây chè được Nhân dân xã Tà Mung gọi là cây kinh tế mới thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, độ dốc vùng đất này. Từ việc đưa cây chè vào trồng, phát triển đã tạo ra bước thay đổi căn bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về tư duy, nhận thức của người dân địa phương. Góp phần giúp người dân từng bước nâng cao đời sống vật chất, đảm bảo an ninh, ổn định chính trị.
Văn Hiếu/VPTB