Cụ thể, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng tới 0,3% so với hồi đầu tháng 4 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Lần điều chỉnh này đưa lãi suất cao nhất của ngân hàng này lên 6,6%/năm đối với tiền gửi online hoặc gửi tiết kiệm tự động từ 36 tháng trở lên.
Còn với tiền gửi dưới 2 tỷ đồng trong kỳ hạn từ 1-3 tháng tại SHB, lãi suất dao động từ 3,4 - 3,7%/năm thay vì mức 3,35 - 3,5%/năm như trước đó; tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng cũng nhích tăng từ mức 5 - 5,2%/năm lên thành 5,2 - 5,4%/năm.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), lãi suất huy động lại giảm nhẹ 0,1% với nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại Kienlongbank giảm từ 6,85%/năm xuống còn 6,75%/năm cho tiền gửi 18, 24 và 36 tháng. Lãi suất gửi tiền từ 1 - 3 tháng hiện còn 3,1 - 3,4%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng từ 5,6 - 5,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng đến dưới 18 tháng dao động từ 6,5 - 6,7%/năm.
So sánh biểu lãi suất ngân hàng mới nhất tháng 5/2021, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vẫn đứng đầu với lãi suất cao nhất là 8,2%/năm cho tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng. Kế tiếp là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với lãi suất cao nhất lần lượt là 7,8 và 7,4%/năm, cùng cho kỳ hạn 13 tháng. Nhưng riêng tại ACB, lãi suất trên chỉ áp dụng cho khoản tiền từ 30 tỷ đồng trở lên.
Còn tại nhóm ngân hàng lớn, lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở mức thấp. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank) có lãi suất thấp nhất hệ thống, ở mức 5,5%/năm.
Theo quan sát của phóng viên, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã rục rịch tăng nhẹ từ 0,1 - 0,2%. Tuy vậy, việc điều chỉnh này chỉ xuất hiện cục bộ, mặt bằng lãi suất đến nay vẫn đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Nhận định về xu hướng lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, có hai yếu tố có thể làm lãi suất tăng trong thời gian sắp tới. Đó là, nếu tình hình kinh tế vẫn hồi phục tích cực, dịch bệnh được kiểm soát tốt và tất cả các thị trường bất động sản, thị trường vàng, chứng khoán đều phục hồi tốt thì nhu cầu vay vốn từ ngân hàng sẽ tăng cao, từ đó đẩy lãi suất huy động tawg lên để hút tiền vào, phục vụ nhu cầu cho vay.
Thêm vào đó, lạm phát tại thời điểm này có dấu hiệu rục rịch tăng nên nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát mức dưới 4% thì lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp, tức là có thể giữ được lãi suất thấp. Còn nếu tỷ lệ lạm phát tăng thì tới quý III, IV có thể là sẽ lãi suất sẽ tăng.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau đại dịch COVID-19 là mong muốn của các cơ quan điều hành, nhưng lãi suất đang có xu hướng sẽ nhích tăng trở lại. Bởi lẽ, xu hướng tăng lãi suất sẽ đi đôi với nhu cầu tăng vốn của hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng thương mại sẽ cần phải điều chỉnh lãi suất theo cung cầu của thị trường.
Tuy vậy Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, ông Lê Đức Thọ lại cho rằng trong ngắn hạn, lãi suất sẽ chưa có nhu cầu phải tăng do thanh khoản hiện vẫn rất dồi dào. "Việc kiểm soát vĩ mô tốt đã tạo điều kiện cho lãi suất duy trì ở mức thấp, phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như người dân. Nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4% thì lãi suất như hiện nay là rất hợp lý", ông Thọ khẳng định.
Trước đó, báo cáo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, ở thời điểm hiện tại vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay trong điều kiện kiểm soát được lạm phát. Do vậy, chưa có áp lực tăng lãi suất huy động đối với các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này. Trong giai đoạn tiếp theo, VCBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào.
Lê Phương
Theo BNEWS/TTXVN