Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi, các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ người dân, khiến lãi suất không ngừng được điều chỉnh lên cao. Điều này không chỉ giúp bảo vệ giá trị tài sản cho người gửi tiền mà còn cho thấy sự thay đổi chiến lược của các ngân hàng trong việc giữ chân khách hàng giữa môi trường tài chính đầy biến động.
HDBank là ngân hàng thương mại tư nhân điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất ở kỳ hạn ngắn trong tháng vừa qua.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online) được điều chỉnh vào ngày cuối của tháng 8, HDBank đã tăng 0,3 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng lên 3,85%/năm. Ở kỳ hạn 3-5 tháng, ngân hàng này tăng 0,4 điểm % lên 3,95%/năm.
Lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn còn lại được HDBank giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 5,1%/năm; 7-11 tháng là 4,7%/năm; 12 tháng là 5,5%/năm; 13 tháng là 5,7%/năm; và kỳ hạn 15 tháng là 6%/năm
Tại kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất tiết kiệm HDBank đang áp dụng là 6,1%/năm, cũng là mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay.
Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn dài 24-36 tháng được HDBank niêm yết tại mức 5,5%/năm.
Ở hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất khách hàng cá nhân được hưởng sẽ thấp hơn 0,1 điểm % so với gửi online.
Nhà băng này cũng đang áp dụng mức lãi suất đặc biệt cho các khoản tiền gửi giá trị lớn - tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên - tại kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,7%/năm và 13 tháng ở mức 8,1%/năm.
Tại MB, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,1% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, niêm yết ở mức 4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm, tăng 0,2%; lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3%, niêm yết ở mức 5,7%/năm.
VPBank tăng 0,5% ở kỳ hạn 1 tháng và 0,2% kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. ACB, SHB tăng 0,1-0,4% ở tất cả kỳ hạn. Techcombank, TPBank tăng 0,2-0,4% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Sacombank là nhà băng lớn điều chỉnh mạnh nhất trong nhóm này khi tăng tới 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng và 0,5-0,6% cho kỳ hạn 9-12 tháng.
Đợt tăng lãi suất cũng ghi nhận tại một vài nhà băng top dưới như DongABank, CBBank, Saigonbank, BaoVietBank sau thời gian dài giữ nguyên. Trong đó, DongABank tăng mạnh tới 0,9% ở hầu hết kỳ hạn. Ngoài ra, nhà băng ngoại CIMB cũng điều chỉnh biểu lãi suất đợt này.
Ngoài nhóm ngân hàng thương mại lớn, các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ như DongABank, CBBank, Saigonbank, BaovietBank sau thời gian dài giữ nguyên cũng đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm.
Kết thúc tháng 8, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 1 tháng cao nhất thị trường hiện nay là 3,85%/năm thuộc về HDBank. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 5,35%/năm thuộc về NCB và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 6%/năm tại ABBank.
Trong khi đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay đang ở 6,1%/năm dành cho kỳ hạn dài 18 tháng trở lên tại các ngân hàng HDBank, NCB và Oceanbank.
Về diễn biến lãi suất thời gian qua, MBS Research cho rằng, đà tăng của lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục duy trì trong tháng 9, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang lấy lại đà phục hồi khiến các nhà băng phải điều chỉnh lãi suất nhằm thu hút tiền gửi.
Việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) cũng góp phần thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh việc huy động vốn mới nhằm đảm bảo thanh khoản. Cụ thể, lãi suất đầu vào các kỳ hạn dưới 6 tháng và 24 tháng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm.
Khẳng định cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5% vào cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Tiến Hoàng (t/h)