Để thương hiệu chè Ô long đạt chuẩn quốc tế
Lâm Đồng có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước với khoảng 12.632 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 170.000 tấn. Ước tính, cây chè tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước.
Trên cả nước, rất ít địa phương có điều kiện canh tác chè, đặc biệt là chè Olong (trà Ô Long) chất lượng cao như Lâm Đồng. Tất cả các giống chè hương để sản xuất chè Ô long ưa thích nhiệt độ thấp, phù hợp canh tác ở các vùng cao, có độ cao so với mực nước biển từ 800m trở lên. Chè trong môi trường và khí hậu thuận lợi sẽ có được hương thơm tốt nhất. Khi sản xuất chè ở độ cao như thế thì sẽ phát huy được hương thơm của giống, tạo nên sản phẩm có chất lượng cao. Lâm Đồng là vùng có địa hình phù hợp và khoảng cách giữa nhiệt độ ban ngày và nhiệt độ ban đêm có độ chênh lệch lớn, do đó tạo ra hương thơm trong chè. Vậy nên Lâm Đồng được đánh giá là vùng sản xuất được chè Ô long tốt cả nước với chất lượng chè thành phẩm hảo hạng.
Tuy nhiên, ngành chè Lâm Đồng nói chung và chè Olong nói riêng chưa có chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ thế giới. Thứ nhất do công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt. Bên cạnh đó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để sản phẩm chè tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng.
Thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam nói chung và ngành chè lâm Đồng nói riêng được đánh giá còn khá nghèo nàn về tính đa dạng sản phẩm và chất lượng cũng chưa cao. Hiện nay Việt Nam tuy đang đứng thứ 5 trên toàn thế giới về xuất khẩu chè, song phần lớn sản lượng chè xuất khẩu chỉ chủ yếu là xuất sang các thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm.
Để có được thương hiệu chè đạt chuẩn, có chỗ đứng trên thị trường khó tính, các chuyên gia cho rằng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững và thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Thứ nhất, duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ…
Thứ hai, thúc đẩy các hộ trồng chè trên địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến.
Sản xuất chè an toàn, bền vững kết hợp với du lịch sinh thái
Mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng chè đã được áp dụng ở nhiều vùng chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La… và hiện đang dần dần nhận được nhiều kết quả mong đợi.
Việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Tổng cục Du lịch, du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của du khách. Thống kê cho thấy, lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60% trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới.
Sản phẩm trà nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè chắc chắn sẽ có được sự cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hiện nay các công ty du lịch lữ hành ra đời ngày càng nhiều và luôn tìm kiếm, khai thác những địa điểm, sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của miền đất và con người nơi vùng chè nổi tiếng sẽ là điểm cộng cần khai thác mà các công ty du lịch lữ hành ngắm tới để hợp tác đầu tư.
Hiện tại, diện tích chè của Lâm Đồng đang bị thu hẹp nhưng thu nhập của người nông dân và những doanh nghiệp chè vẫn có lợi nhuận cao hơn và họ đang hướng đến mô hình sản xuất chè an toàn, bền vững kết hợp với du lịch sinh thái tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao; đồng thời, cung cấp các nguyên liệu cho B’Lao để họ ướp chè hương, đây là truyền thống tạo nên doanh thu của chè Lâm Đồng tương đối ổn định.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: “Tuy rằng diện tích chè của Lâm Đồng hiện nay bị giảm so với sự cạnh tranh, thay thế của các cây khác nhưng các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã ở Lâm Đồng đang hướng đến sản xuất chè chất lượng cao và kết hợp giữa du lịch sinh thái với sản xuất chế biến chè. Đặc biệt quan tâm đến các dòng sản phẩm hướng đến sản phẩm chè nội tiêu. Tiêu biểu như Cầu Đất, địa phương này đang hướng đến các sản phẩm chè già trồng từ những năm 1922 thuộc thời Pháp (gọi là chè cổ) họ phát huy rất tốt sản xuất kết hợp du lịch, quảng bá thương hiệu chè cho khách du lịch, bán cho khách du lịch. Sản phẩm chè cổ Cầu Đất bán hiện nay là không dưới 300 nghìn/cân”.
Với địa hình trùng điệp, những đồi chè đẹp mắt, vùng đặc sản chè Lâm Đồng đang thu hút nhiều khách du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Để thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm vùng chè Lâm Đồng, trước tiên cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, khuyến khích các gia đình có điều kiện đầu tư nơi ăn, chỗ nghỉ cho du khách; bên cạnh đó cần cải tạo, xây dựng những đồi chè đẹp mắt, tăng cường tuyên truyền... để thu hút khách du lịch ngày càng nhiều.
Kết hợp để du khách thưởng thức hương vị trà thơm ngon nổi tiếng và tìm hiểu về nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè. Thăm thú những luống chè được trồng thẳng hàng đẹp mắt và tìm hiểu đời sống vật chất, trải nghiệm văn hóa của người trồng chè ở địa phương. Đây cũng là cách góp phần quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Lâm Đồng đến với người tiêu dùng.
Hương Trà