Làm gì để tự tạo những giống cây chất lượng cao, không còn phải nhập khẩu như hiện nay?

Mặc dù là các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu và điều hàng đầu thế giới, các sản phẩm nông nghiệp Mê-kong thường có chất lượng kém và được bán với mức giá thấp trên thị trường toàn cầu. Hơn nữa, các giống cây trồng mang lại chất lượng tốt chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tại hội thảo Kinh nghiệm Quốc tế về Quản lý Giống cây trồng và Giới thiệu Cẩm nang “Hạt giống cho mọi người” diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ để đẩy mạnh việc sử dụng giống cây trồng chất lượng cao ở các nước khu vực Mê-kong.

Các đại biểu tham dự cho rằng, sản xuất nông nghiệp trong khu vực lâu nay chỉ tập trung vào sản lượng, trong khi chất lượng lại có vai trò quyết định để tăng năng suất và thu nhập, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế.

Là nguồn tạo việc làm và sinh kế từ nhiều thập kỷ qua, nông nghiệp có đóng góp thiết yếu đối với nền kinh tế khu vực sông Mê Kông. Tuy nhiên, mặc dù là các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu và điều hàng đầu thế giới, các sản phẩm nông nghiệp Mê-kông thường có chất lượng kém và được bán với mức giá thấp trên thị trường toàn cầu. Hơn nữa, các giống cây trồng mang lại chất lượng tốt chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải tạo ra các giống cây trồng mới với kiểu gen tốt hơn để nâng cao năng suất, đồng thời có khả năng chống chịu hạn hán, ngập mặn, xâm thực ở những nơi chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu như khu vực sông Mê-kong. IFC đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, Trung tâm cải tiến Ngô và Lúa mì Quốc tế nghiên cứu, phân tích các kiểu gen trên một quy mô thử nghiệm lớn để cho ra đời các giống cây trồng có kiểu gen tốt hơn.

Giống cây trồng chất lượng cao trong nước tự sản xuất hiện nay còn thiếu
Giống cây trồng chất lượng cao trong nước tự sản xuất hiện nay còn thiếu

Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện thương mại hóa giống cây trồng và xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ.

“Việc xây dựng các quy định về giống cây trồng hài hòa giữa các quốc gia sẽ giúp tiết kiệm thời gian khi một cây trồng đạt tiêu chuẩn ở quốc gia này sẽ không phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng tại quốc gia khác” - tiến sĩ Augustine Langyintuo, Chuyên gia cao cấp về Kinh doanh Nông nghiệp, Ban Thương mại & Cạnh tranh toàn cầu, WB phát biểu.

Việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ giúp bảo đảm kiểm soát chất lượng hoặc thúc đẩy phát triển các giống cây trồng mới hiệu quả hơn.

“Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho việc phát triển và cung cấp ra thị trường các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam và mang lại lợi ích cho người nông dân”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng nói.

“Mục tiêu cuối cùng là cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho người nông dân và hướng đến việc xây dựng các quy định về chứng nhận và cấp phép giống cây trồng”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào nói. “Việc đạt được mục tiêu này sẽ thu hút đầu tư tư nhân, gia tăng sản xuất một số giống cây trồng được chứng nhận, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế cho hàng triệu nông dân khu vực Mê Kông.”

“Sử dụng giống cây trồng cải tiến sẽ cải thiện chất lượng nông sản và giúp các nước khu vực Mê Kông vươn tới những thị trường ngách của thế giới. Trong tương lai, giống cây trồng càng trở nên quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về môi trường và biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu lớn hơn đối với lương thực thực phẩm có chất lượng cao hơn. Cẩm nang này sẽ giúp các nước tiếp cận được những thông lệ tốt nhất để khai thác toàn bộ tiềm năng của hệ thống giống cây trồng”, ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối Danh mục Đầu tư và Hoạt động Dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu của khu vực giống cây trồng, Nhóm WB, phối hợp với nhiều nhà tài trợ bao gồm FIAS, Cơ quan Đối ngoại toàn cầu Canada (GAC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID), Chính phủ Nhật Bản... sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước khu vực Mê Kông.

Một cấu phần quan trọng trong hỗ trợ chuyển dịch ngành nông nghiệp từ “sản lượng” sang “chất lượng” là việc hiện thực hóa các cải cách trong lĩnh vực giống cây trồng, nhờ đó sẽ dẫn tới gia tăng lợi nhuận và cải thiện sinh kế của người nông dân.

Duy Cảnh