Lạm phát trở thành mối đe doạ chung của toàn ngành chăn nuôi heo 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6, tổng số heo trong nước ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước đó. Chăn nuôi heo hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Sản lượng heo hơi 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Thế giới 

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

Nhìn chung thị trường chăn nuôi heo thế giới bị tác động mạnh trong quý II, bởi chi phí sản xuất leo thang đã ăn vào lợi nhuận của các nhà chăn nuôi. Giá heo trên thế giới vì vậy có xu hướng tăng.

Philippines vẫn là quốc gia có giá heo hơi cao nhất thế giới, đạt hơn 83.760 đồng/kg. Trung Quốc vượt qua Việt Nam, vươn lên vị trí thứ hai, với mức giá trung bình cả nước là hơn 57.670 đồng/kg. 

Tại Trung Quốc, giá heo hơi tăng mạnh hơn 28% trong tháng 6. Giá thịt heo của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh trong những tuần gần đây do một số nhà sản xuất không muốn bán ra những đàn heo đã đủ tuổi xuất chuồng.

Giá thịt heo bán buôn hôm 6/7 tăng 6,8% so với tuần trước đó và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn là nhà nhập khẩu thịt heo hàng đầu thế giới, chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, mặc dù đã giảm đáng kể so với 42% thị phần thương mại vào năm 2020. 

Việt Nam 

Giá heo tại Việt Nam biến động theo xu hướng giảm trong tháng 6, sau khi tăng trong tháng 4 – tháng 5 nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại.

Giá heo hơi trung bình trong tháng 6/2022 - Đồ hoạ: Alex Chu. 
Giá heo hơi trung bình trong tháng 6/2022 - Đồ hoạ: Alex Chu. 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6, tổng số heo ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước đó, nhờ dịch bệnh được kiểm soát. Chăn nuôi heo hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Sản lượng heo hơi 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trên toàn cầu do khủng hoảng thị trường ngũ cốc, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho các trang trại nuôi heo.

Như vậy trong quý II, giá heo hơi nhìn chung đi theo xu hướng tăng, với miền Bắc là khu vực ghi nhận đà tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá heo đã tăng khoảng 1,1 - 7% so với cuối tháng 3. 

Giá heo tăng một phần cũng vì giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam neo cao sau khi tăng 6 lần kể từ đầu năm, do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có chiều hướng biến động trong thời gian vừa qua.

SSI Research kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022 khi chi phí chăn nuôi sẽ đi ngang và giảm trong quý IV còn giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm đến cuối năm, đạt 65.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. 

Tiêu thụ và nhập khẩu 

Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong tháng 5, nhập khẩu thịt heo vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2021.

5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo liên tục giảm do tiêu thụ thịt heo trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào. Nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt vẫn chậm do thời tiết nắng nóng và dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh. Trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 7.180 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 13,89 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 58,6% về trị giá so với tháng 5/2021. Giá nhập khẩu trung bình đạt 1.934 USD/tấn, giảm 15,6%.

Trong giai đoạn này, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 14 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 39,38%; Đức chiếm 21,62%; Nga chiếm 16,82%; và Canada chiếm 11,12%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36.780 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 5 tháng đầu năm, cơ cấu thị trường cung cấp thịt heo cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Canada, Ba Lan giảm mạnh; trong khi nhập khẩu từ Brazil, Đức và Hà Lan lại tăng mạnh.

Hoài An (t/h)