Tránh thông tin tiêu cực trên mạng xã hội
Theo nghiên cứu, tâm lý căng thẳng, khủng hoảng trong đại dịch có thể gây ra các ảnh hưởng thường là stress kéo dài và mang tính bệnh lý, lâu hơn có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần như lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... Ngoài ra, dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến khủng hoảng trong mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân hoặc cha mẹ và con cái. Dịch bệnh cũng làm cá nhân gia tăng những suy nghĩ tiêu cực, thói quen hay hành vi sức khỏe tiêu cực như lười vận động, sử dụng rượu, thuốc lá hay truy cập internet với các tương tác tiêu cực.
Bà Trish Summerfield - cố vấn trung tâm Innerspace Việt Nam, nơi cung cấp các khóa học miễn phí về kiểm soát căng thẳng - cho biết dịch bệnh khiến bà cẩn thận hơn và chuẩn bị tinh thần để không bất ngờ với những thay đổi xảy ra đột ngột.
"Chúng ta phải dự trữ năng lượng bình an cho tâm trí, phòng khi có thử thách bất ngờ xảy đến thách thức sức mạnh tinh thần của ta. Nếu bạn sợ hãi, giận dữ, "sóng" đó sẽ tác hại lên cơ thể bạn, khiến tim bạn phải đập mạnh hơn, tạo ra không khí căng thẳng tác động lên người khác.
Đấy là chưa kể có người đưa suy nghĩ tiêu cực, độc hại lên mạng xã hội làm lan truyền, hại cho nhiều người. Hãy suy nghĩ tích cực, nó sẽ như một thứ "khẩu trang cho tâm trí" ngăn độc hại và giúp ta thêm sức mạnh vượt qua thử thách hiện nay", bà Trish khuyên.
Các chuyên gia cũng khuyên tạm dừng xem, đọc hoặc nghe tin tức, bao gồm tin tức trên mạng xã hội. Nắm được thông tin cũng tốt, nhưng thường xuyên phải nghe tin tức về đại dịch có thể gây thêm phiền muộn. Do vậy cần cân nhắc hạn chế việc theo dõi tin tức chỉ còn vài lần mỗi ngày, và tránh xa màn hình điện thoại, tivi và máy tính trong một thời gian.
Theo TS Lê Minh Công - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, trên mạng hiện có quá nhiều thông tin và đôi lúc gây căng thẳng cho người đọc. "Trong thời gian này cần phải tiếp cận các thông tin chính thống về dịch bệnh để có thể làm cho chúng ta an lòng", ông Công khuyên.
Cách chăm sóc cơ thể để phòng tránh lo âu
ThS.BS CK2 Trần Trung Nghĩa - chuyên khoa tâm lý - tâm thần Trường ĐH Y dược TP.HCM đưa ra lời khuyên: "Không nên hoảng hốt, mất bình tĩnh một cách quá mức, sẽ không giải quyết được tình trạng hiện tại mà chỉ làm rối thêm. Vì vậy, chúng ta cần phải có tâm lý vững vàng, bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra".
BS Nghĩa đã chỉ ra cách chăm sóc cơ thể để phòng tránh lo âu:
- Dành thời gian để tìm hiểu về bệnh, khi đó bạn sẽ vững vàng, không hoang mang bởi những tin đồn không chính xác.
- Cố gắng ăn các bữa ăn lành mạnh, có đầy đủ chất dinh dưỡng. Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích quá độ.
- Tập thể dục thường xuyên bằng cách đi bộ nhiều, hít thở sâu, giãn cơ hoặc thiền, đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hay, điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
- Dành thời gian thư giãn. Cố gắng làm một số hoạt động khác mà mình thích.
- Liên lạc với bác sĩ, nhất là những người đang điều trị các bệnh mãn tính, có thể khám tư vấn bác sĩ từ xa, liên hệ với các trung tâm tư vấn tâm lý để được hỗ trợ khi cần.
- Khi tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức, nên đi gặp bác sĩ để khám và được tư vấn, và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài các biện pháp phòng tránh và vượt qua tâm lý khủng hoảng trong đại dịch, người dân cần thực hiện đúng hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế. Tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng thường quy (như tiêm vắc xin) theo khuyến cáo của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nghi An (t/h)