Báo chí cùng dân tộc "bước vào” thời khắc lịch sử

Ngày 1/7/2025, nước ta chính thức chuyển sang một thời kỳ phát triển mới khi cả nước còn 34 tỉnh, thành phố thay vì 63 tỉnh, thành phố trước đó; đánh dấu một thời khắc lịch sử mang tính bước ngoặt. Theo đó, nhiều cơ quan báo chí cũng phải thu gọn lại theo công cuộc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị. Hoạt động báo chí ví như mạch máu luôn chảy không ngừng nghỉ trong cơ thể con người.

Cùng với việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nhân sự; chuyển dịch con người, nơi làm việc, cơ sở vật chất, các tòa soạn vẫn phải duy trì không đứt đoạn việc sản xuất tin, bài, nội dung chương trình phát sóng trên kênh, sóng của các loại hình báo chí mỗi ngày, mỗi giờ. Ở trung ương, một số bộ, ban ngành đã triển khai xong việc sáp nhập, các cơ quan báo chí cũng đã cơ bản ổn định về tổ chức, bộ máy. Vì thế, hoạt động báo chí được duy trì hiệu quả vừa làm vừa ổn định đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Báo chí cùng dân tộc "bước vào” thời khắc lịch sử - Ảnh 1

Trong mỗi đổi thay đều cần sự hy sinh nhưng cũng là cơ hội quy hoạch lại, để kinh phí đầu tư cho báo chí tránh bị dàn trải, lãng phí thiếu tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong cuộc cách mạng tinh gọn lần này đã giảm 38 báo, gần 100 tạp chí, 33 đài phát thanh truyền hình, tác động tới khoảng gần 18.000 người. 44% nhân lực báo chí trên toàn quốc bị tác động bởi sắp xếp, tinh gọn. Cũng như các lĩnh vực khác của đời sống chính trị, kinh tế- xã hội, báo chí phải giải bài toán về nguồn thu và mô hình phát triển sau tinh gọn mà chúng ta hay gọi là kinh tế báo.

Đã có nhiều hội thảo, tọa đàm, cuộc chia sẻ ở các quy mô và thành phần khác nhau xung quanh câu chuyện làm thế nào để báo chí tinh, gọn mà hoạt động hiệu quả một khi ai cũng đồng thuận với việc thu hẹp cơ quan báo chí trùng lắp, chồng chéo tôn chỉ mục đích, hạn chế hiệu quả tuyên truyền. Làm thế nào để thông tin báo chí chính thống đủ sức cạnh tranh toàn diện với truyền thông MXH, đặc biệt là phát huy tốt chức năng định hướng nhận thức, dẫn dắt hành động cho độc giả.

Muốn vậy, thông tin báo chí phải có độ tin cậy chính trị, tính chính xác, chân thực, kịp thời, đi trước và hấp dẫn. Mong muốn và khát vọng của người làm báo đã được thể hiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm một thế kỷ báo chí Cách mạng Việt Nam. Cho dù hàng ngàn người lao động trong lĩnh vực báo chí phải tự lo cho mình, phải chấp nhận “hy sinh” khi tinh gọn bộ máy nhưng sự khát khao cống hiến, lòng yêu nghề của họ luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Những cơ quan báo chí không phải sáp nhập, giải thể, người làm báo vẫn được ổn định vị trí việc làm luôn chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu với đồng nghiệp của mình. Khi bộ máy mới hình thành thì cấp lãnh đạo có thể từ trưởng phải xuống phó, người đứng đầu “mới toanh”, xáo trộn vị trí việc làm đều được người làm báo chấp hành. Điều này ít nhiều cũng tác động đến tâm tư, tình cảm nơi họ.

Báo chí cùng dân tộc "bước vào” thời khắc lịch sử - Ảnh 2

Sự sắp xếp lại báo chí lần này là sự thay đổi lớn, đổi thay căn bản quy hoạch báo chí nước nhà trước khi quốc hội thông qua một số điều của Luật báo chí năm 2016. Bộ máy hoạt động của hệ thống báo chí sau sáp nhập cần có thời gian để thẩm định kết quả. Nhưng đây thật sự là phép thử quý báu để tìm ra những mô hình báo chí phù hợp hoàn cảnh mới, phải chuyển đổi trạng thái nhằm giải quyết bài toán kinh tế để báo chí phát triển theo tư tưởng “đem sức ta mà xây dựng cho ta”. Vận hành theo cơ chế thị trường, tự chủ tài chính nên sản phẩm báo chí phải được hình thành theo hướng là “hàng hóa đặc biệt”, với chất lượng cao cùng thương hiệu riêng có. Chỉ có như vậy mới được bạn đọc đón nhận, trả tiền xứng đáng. Báo chí thực sự bước vào thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc, chuyển mình bằng tư duy mới, hành động sáng tạo và quyết liệt.

VĂN HÙNG