Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong quý I năm nay, doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu trong và ngoài nước tổng cộng 15,1 tỷ USD, riêng các công ty bất động sản chiếm đến 27%.
Trong đó, vỡ nợ trái phiếu trong nước đạt 74,75 tỷ nhân dân tệ (tương đương 11,4 tỷ USD), cao hơn hai lần so với kỷ lục thiết lập cùng kỳ năm ngoái. Cùng lúc, các công ty tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn vỡ nợ 3,7 tỷ USD trái phiếu nước ngoài, tăng gần ba lần so với quý I/2020.
Trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc từng đưa ra một số biện pháp để kiềm chế khối nợ của lĩnh vực bất động sản phình to, nhưng nỗ lực này đã tạm dừng khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hiện Bắc Kinh quay lại mục tiêu cũ, chính là kiểm soát khối nợ khổng lồ của các công ty bất động sản như một phần trong chiến lược kiểm soát rủi ro tài chính.
Tháng trước, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cho biết "cực kỳ quan ngại" về những rủi ro phát sinh từ bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu và bất động sản trong nước.
Biến động trên thị trường tài chính Trung Quốc thời gian gần đây càng cho thấy rủi ro đối với nhà đầu tư đang lớn dần, Bloomberg nhấn mạnh. Các công ty bất động sản chính là những đối tượng dễ bị rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh nhất.
Nhà phân tích Huang Weiping của Công ty tư vấn Industrial Securities nhận định: "Năm nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cho phép nhiều công ty vỡ nợ hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền địa phương và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cũng như bất động sản. Đây là các công ty đang ngập trong nợ nần và khó có khả năng thanh toán".
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc đã tăng nhanh trong vài năm qua. Quý I năm nay chứng kiến vụ vỡ nợ của China Fortune Land Development và Tianjin Real Estate Group - hai công ty bất động sản không thể thanh toán hơn 10 tỷ nhân dân tệ trái phiếu. Công ty máy tính Tsinghua Unigroup và hãng hàng không Hainan Airlines Holding cũng vỡ nợ ở con số tương tự vào đầu năm 2021, Bloomberg cho biết thêm.
Tính theo khu vực, các công ty có trụ sở tại tỉnh Hải Nam vỡ nợ nhiều nhất với khoảng 23 tỷ nhân dân tệ, tiếp đến là Bắc Kinh - nơi Tsinghua Unigroup đặt trụ sở và xếp thứ ba là tỉnh Thiên Tân.
Ngoài ra, LGFV - nền tảng huy động vốn quan trọng cho các dự án hạ tầng địa phương, cũng đang đối mặt với áp lực lớn, ngay cả khi chưa có tổ chức tài chính nào thuộc nhóm này tuyên bố vỡ nợ công.
Gần đây, chỉ một LGFV vỡ nợ 915 triệu nhân dân tệ thương phiếu. Dù vậy, các nhà phân tích vẫn nhấn mạnh rủi ro tính dụng đang lớn dần trong lĩnh vực huy động vốn này. Khối nợ tiềm ẩn ở cấp địa phương đã được nâng lên thành vấn đề "an ninh quốc gia" tại cuộc họp thường niên của chính quyền Bắc Kinh vào tháng 3 vừa qua.
Tháng trước, Bloomberg đã tiến hành khảo sát ý kiến của 18 nhà phân tích. Gần 67% dự đoán chiến lược giảm rủi ro cho hệ thống tài chính của Bắc Kinh sẽ làm tăng áp lực tái cấp vốn cho các LGFV, trong khi có hai người dự đoán sẽ có một số vụ vỡ nợ công của LGFV trong năm nay.
Khả Nhân
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết