Với 2 sản phẩm tẩy rửa sinh học đạt sao OCOP, hợp tác xã Red Dao Sa Pa xác định, kênh tiêu thụ sản phẩm chính là trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến. Trong tổng số doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm thì 80% là từ sàn thương mại và các nền tảng mạng xã hội.
Còn cửa hàng bán và trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai cho biết, hiện tại, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, TikTok. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng mở rộng thị trường theo hướng truyền thống qua các siêu thị, tạp hóa trong tỉnh cũng như các đối tác thương mại ở phía Bắc và toàn quốc.
Cùng với duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chất lượng, tỉnh Lào Cai cũng tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng số. Với 163 sản phẩm đạt sao OCOP, đã có 90% sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, để triển khai chương trình chuyển đổi số, công nghệ số, Sở Công thương đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Năm 2022, đơn vị đã thí điểm triển khai lựa chọn ra 9 đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các gian hàng thương mại trực tuyến như: Lazada, Shoppe… và đã có những kết quả khả quan bước đầu.
Lào Cai hiện có 161 cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên hệ thống, với gần 240 dòng sản phẩm nông sản. Qua đó, việc tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, hướng đến thương mại điện tử.
Từ những lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến, sàn thương mại điện tử đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa rất hiệu quả. Do vậy, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ là giải pháp trọng tâm để các sản phẩm OCOP của Lào Cai ngày càng vươn xa./.
Văn Hiếu /VP Tây Bắc