Lào Cai: Rộn ràng mùa thu hoạch trên những đồi chè ở Thanh Bình

Trên những đồi chè của xã Thanh Bình,huyện Mường Khương (Lào Cai), từng búp chè xanh non mơn mởn đang được người dân thu hái về. Để rồi tiếp tục qua những đôi bàn tay khéo léo, búp chè ấy lại trở thành thức uống thơm ngon, đậm vị.

Những nương ngô, sắn trước kia giờ đây đã được phủ xanh bởi những đồi chè xanh mướt.
Những nương ngô, sắn trước kia giờ đây đã được phủ xanh bởi những đồi chè xanh mướt.

Hơn 10 năm trước, thực hiện mục tiêu nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng vùng chè hàng hóa, huyện Mường Khương đã tập trung thâm canh và trồng mới cây chè ở khu vực các xã hạ huyện. Sau 10 năm, những nương ngô, sắn đã được thay thế bằng những đồi chè xanh mướt. Người trồng chè cũng không phải lo đầu ra bởi được Công ty Cổ phần chè Thanh Bình bao tiêu toàn bộ theo hợp đồng.

Khi ký hợp đồng thu mua chè búp của nông dân, Công ty Cổ phần chè Thanh Bình cũng cam kết cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho cây chè để người dân thực hiện sản xuất an toàn. Vào cuối mỗi năm, hợp đồng sẽ được ký lại và cam kết giá thu mua. Cách làm này đã tạo ra ràng buộc trách nhiệm giữa người sản xuất và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, người trồng chè ở Thanh Bình đã quay lại áp dụng phương pháp cũ để trồng chè, tức là hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và chăm sóc, thu hái để đảm bảo chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Xã Thanh Bình hiện có khoảng 700 ha chè, trong đó có hơn 400 ha chè đang trong giai đoạn kinh doanh. Hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại giúp nông dân Thanh Bình có điều kiện tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè trên những diện tích nương đồi kém hiệu quả. Ông Ma Seo Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết thêm: “Xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao sản lượng chè; đồng thời, vận động người dân trồng bổ sung trên một số diện tích đất kém hiệu quả để nâng cao thu nhập”.

Lào Cai: Rộn ràng mùa thu hoạch trên những đồi chè ở Thanh Bình - Ảnh 1
Thời điểm này, nông dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đang thu hoạc chè.
Thời điểm này, nông dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đang thu hoạc chè.

Thời điểm này, giá thu mua chè cam kết là 6.500 đồng mỗi kg. Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp vùng chè Mường Khương tăng năng suất từ 10 đến 15%. Đầu tư chăm sóc để có nhiều lần thu hái, ổn định giá thu mua chè búp, tăng cường quản lý sâu bệnh hại nhằm giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi vụ là những điều kiện để giúp người dân Mường Khương nâng cao thu nhập từ việc trồng chè.

Khâu chế biến chè được đảm bảo chất lượng.
Khâu chế biến chè được đảm bảo chất lượng.

Chị Sùng Chí, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương chia sẻ: Việc hái chè để đúng kỹ thuật là phải hái chỉ 1 tôm 2 lá, hái chè ngắn để thứ nhất về thẩm mỹ sẽ đẹp và chất lượng sẽ mang lại nước chè ngọt hơn, ngon hơn. Còn nếu dài thì khi chế biến chè sẽ bị chọt vụn vỡ hết lá chè và nước sẽ bị chát sẽ không được nước chè ngon như hái lá non.

Trao đổi về việc thu hái chè, chị Lùng Tải Sủi, thôn Sín Chải cho biết: Thu hoạch chè tính trung bình một ngày được 60 kg chè tươi. Hiện nay tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương có tổng cộng khoảng 700 ha chè, chè được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo cho chất lượng và năng suất cây trồng.

Phi Long/ VPTB