Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai được biết: Tính đến ngày 04/11/2021, UBND đã tỉnh Lào Cai ban hành các Quyết định phê duyệt cho 3.174 đối tượng bao gồm Người lao động ngừng việc; chấm dứt HĐLĐ; hỗ trợ cho người đang điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; nhóm hỗ trợ bổ sung và trẻ em điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; đạo diễn nghệ thuật hạng chức danh nghề nghiệp hạng IV; hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh và nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.968.941.000 đồng. Thực hiện hỗ trợ cho 49.196 lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số kinh phí là 79.249.600.000 đồng. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã rà soát và thông báo cho 1361 đơn vị sử dụng lao động với tổng số tiền 9.069.150.431 đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/10/2021. Cụ thể mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày.
Việc triển khai chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người dân, người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Ngoài ra, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Lào Cai vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2021, đảm bảo 70% đến 80% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; cơ bản đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp, đó là: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Đồng thời kêu gọi, vận động cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành, chia sẻ khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Với sự chủ động, tích cực và kịp thời trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Lào Cai đã, đang hiện thực hóa những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, là những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Lào Cai đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa bằng các chuỗi liên kết sản xuất
Tại huyện Mường Khương có nhiều loại cây trồng hàng hóa của tỉnh Lào Cai với diện tích, quy mô lớn như chuối, dứa, chè… Thoát khỏi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người dân địa phương đã từng bước tiếp cận với sản xuất tập trung theo quy trình, kỹ thuật của các bên thu mua. Các loại cây trồng hàng hóa đã mang lại nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất.
Loại cây trồng hàng hóa đầu tiên của Mường Khương là cây chè. Trong quá trình sản xuất, nông dân trực tiếp tham gia canh tác, chăm sóc, thu hái, thành quả là chè búp tươi nguyên liệu. Chè búp tươi được thu mua, chế biến bởi doanh nghiệp theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm được ký kết hằng năm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hợp đồng sản xuất sẽ ràng buộc về quy trình kỹ thuật, theo dõi, giám sát việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và ràng buộc về giá thành thu mua. Mối liên kết sản xuất này đã hình thành và phát huy hiệu quả qua hàng chục năm, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng chè.
Để đảm bảo công bằng trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến chè được thu hút đầu tư xây dựng thêm nhà máy. Năm 2020, thêm 1 nhà máy chè được đầu tư xây dựng, nâng tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất chè tại Mường Khương lên 4 đơn vị. Việc gia tăng sự cạnh tranh đã giúp giá chè búp tươi có thời điểm lên đến 9.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Không chỉ đối với cây chè, các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương đều được xác định sẽ thu hút sự tham gia liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân. Các sản phẩm như chuối, dứa, quýt, gạo Séng cù, ngô ngọt, rau trái vụ… đang từng bước có “bàn tay” của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bao tiêu, một số sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu. Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến các loại nông sản sẽ không chỉ làm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà còn góp phần làm tăng giá trị các loại hàng hóa, từ đó mang lại lợi ích cho người dân.
Tại xã Mường Hum (Bát Xát) cây chè được đưa vào trồng từ năm 2002, trải qua nhiều thăng trầm, cây chè hiện trở thành chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đến nay, xã có 117 ha (khoảng 75 ha đang cho thu hoạch) với hơn 100 hộ của 3 thôn Mường Hum, Piềng Láo, Ky Quan San trồng. Theo các hộ trồng chè ở Mường Hum chia sẻ, kỹ thuật chăm sóc chè không yêu cầu cao, bên cạnh cấy lúa, cây chè giúp người dân nâng cao thu nhập.
Anh Trương Văn Hướng, thôn Mường Hum cho biết: Trước đây, cây chè chưa trở thành hàng hóa, việc trồng và chăm sóc manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, sản phẩm chè Mường Hum được nhiều người biết đến, tiêu thụ thuận lợi và có giá bán cao trên thị trường, gia đình anh đã đầu tư mở rộng diện tích và chăm sóc nâng cao chất lượng chè. Hằng năm, mỗi ha chè của gia đình cho thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng, tùy thuộc vào giá thị trường. Gia đình anh còn thu mua chè búp tươi của các hộ trong vùng về chế biến, bán theo đơn đặt hàng.
Theo đánh giá của UBND xã Mường Hum, mặc dù cây chè được xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Mường Hum nhưng đến nay, cây chè phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, diện tích chè trồng chưa nhiều, thị trường tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào tư thương, nên giá chè búp tươi còn thấp. Chè bát tiên bán được trên 30 nghìn đồng/kg búp tươi, chè shan tuyết bán từ 9 đến 10 nghìn đồng/kg búp tươi. Nhiều hộ thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nguồn nước tưới chưa có và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
Chia sẻ trước báo chí, theo ông Sí Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mường Hum, cây chè đang là nguồn thu quan trọng của người dân địa phương và được xã xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025. Vì vậy, xã quy hoạch mở rộng vùng trồng chè, phấn đấu đến năm 2025 có trên 200 ha chè, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè Mường Hum. Nhằm tăng sự liên kết giữa các hộ trồng chè, tăng khả năng tham gia thị trường đối với sản phẩm chè an toàn, đầu tháng 4/2021, xã thành lập Hợp tác xã chè Hướng Tâm gồm có 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng.
Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hái, vận chuyển nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè; khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích ngô, lúa trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng chè; mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ; phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn huyện giúp nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, xã khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thành công thương hiệu chè Mường Hum.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 có 10.000 ha chè tập trung
Trong những năm qua, dù đóng góp không nhỏ trong sự tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 6%/năm, nhưng các cây trồng chủ lực của Lào Cai chưa phát huy được hết tiềm năng lợi thế để nâng cao giá trị sản xuất, mà việc thiếu vùng sản xuất tập trung là một trong những rào cản. Đối với địa bàn miền núi, vùng cao địa hình chia cắt phức tạp, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung thật sự là thách thức lớn.
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực được Lào Cai chú trọng và quan tâm mở rộng, phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mường Khương trồng mới gần 1.200 ha chè, bằng 172% mục tiêu, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 đạt 3.476 ha. Chỉ tính năm 2020, sản lượng chè búp tươi đạt trên 18.000 tấn, giá trị đạt trên 120 tỷ đồng. Chè Mường Khương được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng loại chè vùng cao. Theo tính toán của người dân, nếu thâm canh tốt, mỗi ha chè cho thu nhập trung bình từ 60 - 80 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng. Tuy vậy, còn nhiều gia đình tại địa phương vẫn giữ những giống chè được trồng cách đây từ 30-40 năm, năng suất thấp do cây cỗi dần.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu (Mường Khương) có gần 2 ha chè. Trong số đó, có hơn 1 ha chè shan trồng cách đây khoảng 40 năm và hơn 1 ha chè shan trồng được 10 năm. Theo đánh giá của chị, cùng loại chè shan thì diện tích chè trồng cách đây 10 năm năng suất cao hơn hẳn so với chè được trồng cách đây 40 năm do chè lâu năm đang cỗi dần, nhiều cây bị chết dẫn tới mất khoảnh. Trước đây, do thiếu kỹ thuật tạo tán nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và quá trình thu hái. Chị Hà cho biết, với những diện tích chè già cỗi, gia đình chị dự định thay thế dần, trồng chè mới để tăng năng suất.
Cải tạo diện tích cây kém hiệu quả, tập trung thâm canh nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tiếp tục mở rộng thêm diện tích đối với nơi có điều kiện... là định hướng chung trong phát triển vùng sản xuất chè và các cây trồng chủ lực khác của Lào Cai những năm tới trong bối cảnh quỹ đất tại địa phương hạn chế. Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, để hình thành các vùng sản xuất tập trung, từ nay đến năm 2030, Lào Cai sẽ thực hiện chuyển đổi 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó, chuyển đổi khoảng 11.000 ha sang phát triển sản xuất hàng hóa đối với các cây trồng chủ lực dược liệu, chè, chuối dứa, quế; 1.000 ha sang các cây trồng khác, phát triển chăn nuôi.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 có 10.000 ha chè tập trung, sản lượng trên 93.000 tấn, giá trị 1.100 tỷ đồng; 5.000 ha dược liệu với sản lượng 28.000 tấn giá trị đạt trên 900 tỷ đồng; 5.000 ha chuối với sản lượng 70.000 tấn, giá trị trên 800 tỷ đồng; 3.000 ha dứa sản lượng trên 63.000 tấn, giá trị trên 500 tỷ đồng; 66.000 ha quế giá trị 1.800 tỷ đồng và 112.000 ha vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn rừng bền vững giá trị 1.400 tỷ đồng.
Có thể thấy, trước ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phát triển kinh tế, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.