Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát

MBS cho biết, nhà máy hoạt động ổn định với hiệu suất trung bình 105% công suất thiết kế: Trong 6 tháng đầu năm 2021, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nhờ thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi cùng với năng lực sản xuất nhà máy đạt 105% công suất, sản lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 3,45 và 3,43 triệu tấn, hoàn thành 53% kế hoạch cả năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo được cập nhật mới đây đối với CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Chứng khoán MB (MBS) cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ khi chuyển sang công ty cổ phần: Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 48.908 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và đạt 69% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.598 tỷ đồng và 3.527 tỷ đồng, so với mức lỗ 4.252 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Kết quả kinh doanh tăng mạnh do giá dầu trong kỳ tăng 45% (dầu brent) làm doanh thu tăng.

Cũng theo MBS, chênh lệch giá bán sản phẩm và giá dầu nguyên liệu (crack spread) trong kỳ tăng tốt (đặc biệt với sản phẩm xăng A92, A95, LPG, PolyPropylene, trong khi sản phẩm dầu DO, JetA1 vẫn ở mức thấp), đã mang đến mức lợi nhuận gộp hấp dẫn 3.914 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 8% so với mức -12,2% cùng kỳ 2020.

Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp cơ bản được kiểm soát tốt: Doanh thu và Chi phí tài chính trong kỳ đều tăng, dẫn đến thu nhập ròng hoạt động tài chính đạt 197 tỷ đồng, tăng 3,8 lần. Trong kỳ, công ty tiếp tục trả bớt được 1.113 tỷ đồng nợ vay dài hạn, đồng thời tăng nợ vay ngắn hạn thêm 954 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng kiểm soát tốt khi tăng 11% và đạt 350 tỷ đồng, Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34% và đạt 167 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát: Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ xăng dầu đang bị ảnh hưởng khi nhiều tỉnh thành tại Việt Nam bị giãn cách, phong tỏa do làn sóng Covid19 bùng phát trở lại. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, có những thời điểm trong tháng 8 nhà máy phải hoạt động với 90% công suất.

“Chúng tôi dự báo trong quý III, sản lượng đạt mức 84-86% so với trung bình 6 tháng đầu năm và đạt khoảng 1,46 triệu tấn, sản lượng 6 tháng cuối năm là khoảng 3,11 triệu tấn. Doanh thu 6 tháng cuối năm dự báo đạt mức 47.710 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.810 tỷ đồng, đưa doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lần lượt đạt 96.620 tỷ đồng và 5.410 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 1.640 đồng” – Chứng khoán MB (MBS) cho biết.

Những vấn đề còn tồn tại, thách thức: Dự án nâng cấp mở rộng vẫn chưa đạt được những bước tiến khả quan trong vấn đề tìm kiếm nguồn vốn phù hợp cho đầu tư, cùng với với đó là gói thầu EPC đã không đạt được các điều kiện để có thể thực hiện. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty khi các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm liên quan đến môi trường, khí thải ngày càng khắt khe.

Định giá cổ phiếu: Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh hệ số PE, PB, giá trị cổ phiếu BSR được xác định ở mức 18.200 đồng/cổ phần. Đồng thời khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BSR.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, cổ phiếu BSR giảm 3,28% xuống còn 17.700 đồng/cổ phiếu.