Lợi nhuận ngành ngân hàng kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025

Bước vào năm 2025, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng đang được đánh giá tích cực, nhờ những yếu tố hỗ trợ từ cả chính sách vĩ mô lẫn xu hướng thị trường. Sau một năm 2024 đầy thách thức với biến động lãi suất, thanh khoản thắt chặt và áp lực từ thị trường tài chính toàn cầu, các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ trong năm mới.

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 15,08%. Do đó, nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đã được cổ đông giao. Một số ngân hàng ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.

Lợi nhuận ngành ngân hàng kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025  
Lợi nhuận ngành ngân hàng kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025  

Theo thông tin từ Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, lợi nhuận ngân hàng trước thuế tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024 (ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng), tăng 4,8% so với năm 2023 và giữ vị trí quán quân trong toàn ngành.

Bên cạnh con số lợi nhuận được cho là cao nhất toàn ngành, Vietcombank cho biết các chỉ số tích cực về hiệu quả kinh doanh: NIM ở mức 3,04%; ROA đạt 1,7%; ROE đạt 18,5%. Để đạt được mức hiệu quả này, ngân hàng cho biết đã tích cực cắt giảm chi phí, tiết kiệm 1.000 chi phí hoạt động trong năm 2024.

Đến hết năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấy ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%. Vào cuối năm 2024, Vietcombank đã chính thức nhận chuyển giao Ngân hàng Xây dựng (CB) và đang triển khai tích cực các biện pháp để sớm đưa CB ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.

Trong khi đó, BIDV có thể trở thành ngân hàng có lợi nhuận "khủng" thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau Vietcombank. Năm 2024 cũng là năm đạt lợi nhuận kỷ lục của nhà băng này khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm trước.

VietinBank cũng cho biết doanh thu năm 2024 tăng trưởng tích cực, lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trước đó, hồi đầu tháng 10/2024, VietinBank đã thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023.

Với Agribank, thông tin từ ngân hàng cho thấy, năm 2024, mặc dù hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung của nền kinh tế, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng trên 8%.

Với mức tăng trưởng nêu trên, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Agribank năm 2024 là 27.567 tỷ đồng, còn hợp nhất là hơn 27.928 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung nhóm Big 4 có tổng lợi nhuận trước thuế khoảng hơn 126.300 tỷ đồng (xấp xỉ 5 tỷ USD).

Ngoài Big 4, một số ngân hàng tư nhân khác cũng công bố kết quả kinh doanh trong năm qua với lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Lợi nhuận ngành ngân hàng kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025 - Ảnh 1

Năm 2025, ngành Ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 16%, như vậy dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến sẽ ở mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng.

MBS Research đánh giá, năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15%, thì năm 2025, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15%-16%, một phần sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025. Sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.

Nhiều chuyên gia nhận định, tín dụng, NIM (biên lãi ròng) và chất lượng tài sản là 3 yếu tố có tác động mạnh nhất tới ngân hàng năm 2025.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành ngân hàng lạc quan về triển vọng lợi nhuận là sự phục hồi của nền kinh tế. Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy dấu hiệu khởi sắc, từ tăng trưởng GDP ổn định, lạm phát được kiểm soát đến nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Khi doanh nghiệp và cá nhân có niềm tin hơn vào triển vọng kinh tế, nhu cầu vay vốn sẽ gia tăng, kéo theo sự mở rộng trong hoạt động tín dụng, từ đó cải thiện biên lợi nhuận của các ngân hàng.

Chính sách tiền tệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng. Nếu như năm 2024 chứng kiến sự thận trọng của ngân hàng trung ương trong điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát, thì năm 2025 có thể đánh dấu một giai đoạn linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Việc điều chỉnh lãi suất phù hợp không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho ngân hàng cải thiện biên lãi ròng (NIM).

Bên cạnh đó, quá trình số hóa và áp dụng công nghệ tài chính tiếp tục là động lực giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí. Các dịch vụ ngân hàng số ngày càng phổ biến, từ thanh toán không tiền mặt, cho vay trực tuyến đến các sản phẩm đầu tư thông minh, giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Những khoản đầu tư mạnh tay vào công nghệ trong những năm qua đang bắt đầu mang lại trái ngọt, khi chi phí vận hành được tối ưu hóa và khả năng khai thác dữ liệu khách hàng ngày càng hiệu quả hơn.

Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, ngành ngân hàng cũng có nhiều cơ hội từ việc mở rộng hợp tác quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tạo điều kiện để dòng vốn quốc tế chảy mạnh vào Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời, việc các ngân hàng trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài cũng là một chiến lược quan trọng để gia tăng lợi nhuận trong dài hạn.

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước thực hiện tháng 1/2025, có tới 85,1% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng dương so với năm 2024, trong đó 9,6% lo ngại lợi nhuận giảm và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không đổi. Với tín dụng năm nay được nhận định tích cực hơn khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, các ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Tiến Hoàng