Lừa đảo mạo danh thương hiệu: Người tiêu dùng cần cảnh giác

Trong thời đại số hóa, các chiêu trò lừa đảo mạo danh thương hiệu đang ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Các đối tượng xấu thường lợi dụng danh tiếng của các thương hiệu uy tín để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Việc thiếu cảnh giác hoặc không nắm rõ các dấu hiệu của lừa đảo có thể khiến người tiêu dùng dễ dàng trở thành nạn nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến.

Lừa đảo mạo danh thương hiệu: Người tiêu dùng cần cảnh giác.  
Lừa đảo mạo danh thương hiệu: Người tiêu dùng cần cảnh giác.  

Một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất là việc giả mạo các trang web hoặc tài khoản trên mạng xã hội của các thương hiệu lớn để bán hàng giả, hàng nhái. Những trang web này thường có giao diện rất giống với trang chính thức, kèm theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Ngoài ra, kẻ gian cũng lợi dụng các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, giả danh các thương hiệu nổi tiếng để bán sản phẩm kém chất lượng hoặc lừa đảo tiền bạc mà không giao hàng. Một số người tiêu dùng bị dẫn dụ bởi các sản phẩm có giá rẻ bất thường hoặc những thông tin giả mạo về chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê trên Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngăn chặn được hơn 12.800 trang web/blog vi phạm, trong đó có gần 3.200 trang web lừa đảo trực tuyến, đã bảo vệ được gần 11 triệu người sử dụng không bị truy cập vào các website vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu lừa đảo.

Theo khảo sát của Chi hội An toàn Thông tin phía Nam (VNISA phía Nam), từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện việc thuê ngoài các dịch vụ giám sát về an toàn thông tin, góp phần tối ưu chi phí và tăng độ bảo mật cho việc sao lưu, bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên, với người sử dụng cá nhân, thì điều này lại không thể áp dụng được, nên tội phạm mạng đã lợi dụng nhiều chiêu thức khác nhau, để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tấn công đánh cắp dữ liệu cá nhân, hoặc cài mã độc, virus,… vào thiết bị di động của họ.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo đã tạo lập các trang web giả mạo với tên miền tương tự như của các công ty chính thức. Sau đó, các đối tượng gọi điện thoại hoặc gọi qua các ứng dụng mạng xã hội Messenger facebook, zalo,… để tìm nhiều cách dụ dỗ, lừa đảo người sử dụng. Chỉ cần làm theo các hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, người sử dụng có thể bị mất tiền, mất tài khoản mạng xã hội, thậm chí mất cả thông tin cá nhân… Có thể thấy, những rủi ro khi mất tiền do lừa đảo trực tuyến sẽ hiện hữu ngay đối với người sử dụng cá nhân, song những chiêu thức lừa đảo tinh vi hơn sẽ khiến cho người sử dụng đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.

Trước tình trạng lừa đảo mạo danh thương hiệu gia tăng, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo đến người tiêu dùng. Bộ Công Thương và các tổ chức liên quan cũng khuyến nghị người dân nên mua hàng từ các trang web chính thức và uy tín, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng thông tin sản phẩm trước khi quyết định giao dịch.

Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang tích cực phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để xử lý và ngăn chặn những trang web, tài khoản giả mạo nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lừa đảo mạo danh thương hiệu: Người tiêu dùng cần cảnh giác - Ảnh 1

Cảnh báo các tân sinh viên với hàng loạt chiêu trò lừa đảo thu học phí

Lợi dụng thời điểm các sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, một số đối tượng đã giả mạo là đầu mối của một số trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, để lừa chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học. Trường Đại học Sài Gòn mới đây phát đi thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền 6.953.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo. Bên cạnh đó, hàng loạt các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra cảnh báo đối với các hình thức lừa đảo trên.

Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của trường đại học. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email hoặc gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí qua các phương thức không chính thức. Đối tượng cũng có thể sẽ thông qua các phương thức lừa đảo như email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân kiểm tra các thông tin từ trường đại học hoặc tổ chức tài chính qua các kênh chính thức và liên hệ trực tiếp với trường nếu có bất kỳ nghi ngờ nào. Tuyệt đối không nhấp vào liên kết trong các email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc và không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không xác định. Luôn thực hiện các khoản thanh toán học phí qua các kênh thanh toán chính thức do trường đại học hoặc tổ chức tài chính cung cấp. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Tiến Hoàng