Thông tin trước báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết theo Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Theo đó, các địa phương phải đánh giá được cấp độ dịch để áp dụng biện pháp phù hợp cho những hoạt động khác nhau như sự kiện ngoài trời, giao thông, giáo dục… Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi cả nước.
Dịch vẫn diễn biến phức tạp
Tại tỉnh Tuyên Quang, đến 13/11, huyện Na Hang có 8 ca dương tính với COVID-19, 261 trường hợp F1, không phát sinh ca dương tính mới. Huyện Na Hang đã tổ chức khoanh vùng truy vết, triển khai tiêm chủng vaccine cho người dân, lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến, mỗi xã có ít nhất 1 khu cách ly tập trung.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, huyện Chiêm Hóa có 21 trường hợp dương tính với Covid-19 nhưng đều ở trong khu cách ly tập trung; 17 F1; 591 trường hợp F2 và 166 người thuộc diện F3; thực hiện rà soát được 146 người về từ Lâm Bình (tính từ ngày 05/11 đến nay), hiện đang tiếp tục rà soát, sàng lọc để áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định. Theo đó, huyện đã thành lập các chốt kiểm soát dịch tại xã Tân Mỹ và Yên Lập nhằm kiểm soát chặt chẽ số người đi/đến địa phương trong thời điểm này; xã Trung Hà cũng đã thành lập chốt kiểm soát dịch cấp xã để kịp thời kiểm soát người ra vào địa bàn theo đường mòn lối mở tiếp giáp với xã Hồng Quang của huyện Lâm Bình; hiện nay các xã, thị trấn trong huyện cũng đã thiết lập khu cách ly tập trung tại địa phương, công suất khoảng 200 giường bệnh; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt 59,5%, mũi 2 đạt gần 10%.
Theo báo cáo của huyện Lâm Bình, tính đến 6 giờ ngày 15-11 trên địa bàn huyện ghi nhận 95 ca F0, trong đó thị trấn Lăng Can 38 ca, xã Bình An 24 ca, Hồng Quang 8 ca, Phúc Yên 17 ca, Xuân Lập 7 ca, Thổ Bình 1 ca. Tính đến 10h ngày 15-11, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 31.679 lượt người, trong đó có 22.533 lượt người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1, 9.146 lượt người tiêm mũi 2.
Căn cứ các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương và tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình, UBND tỉnh Tuyên Quang quyết định phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình là ở cấp 4: Nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND huyện Lâm Bình căn cứ vào phân loại cấp độ dịch Covid-19 tại Quyết định để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn để kịp thời tham mưu, đề xuất UBNB tỉnh điều chỉnh phân loại cấp độ dịch Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Tại buổi làm việc với huyện Lâm Bình sáng nay 15/11, Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm yêu cầu trong đêm (15/11) phải hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn thể cán bộ, nhân dân và người lao động trên địa bàn huyện Lâm Bình để truy vết F0 tách khỏi cộng đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vắc xin đảm bảo tiêm hết tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo quy định trên phạm vi toàn huyện; chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, kít test nhanh, xe chở bệnh nhân vận chuyển trong địa bàn huyện và từ huyện về điều trị tuyến trên; chuẩn bị dự phòng cơ sở điều trị F0 để giải quyết kịp thời khi huyện Lâm Bình quá tải.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cũng yêu cầu sớm kiểm soát được tình hình dịch trên địa bàn huyện Lâm Bình; việc lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trên địa bàn huyện phải hoàn thành trước 8h sáng 16-11; tăng cường lực lượng chuyển mẫu, làm xét nghiệm để kịp thời có kết quả trong thời gian sớm nhất; khẩn trương triển khai hoàn thiện các khu cách ly tập trung, chuyển toàn bộ các ca F0 về Bệnh viện Dã chiến. Các lực lượng chức năng cần quản lý chặt các trường hợp F1 không để tiếp xúc với cộng đồng...
Cuộc chiến chống dịch vẫn còn phức tạp, những "chiến binh" vẫn đang ngày đêm quên mình trên trận tuyến không tiếng súng nhưng đầy rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.
Luôn phải giành thế chủ động
Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Bắc hiện nay, chia sẻ với báo chí, Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng dịch tại các tỉnh phía Bắc cũng phức tạp, đáng lo ngại với một số địa phương. Nhiều tỉnh phía Bắc tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, nếu như để người già, người mắc bệnh nền chưa được tiêm chủng rất dễ bệnh nặng và tử vong, cùng với đó là khó khăn về trang thiết bị và cơ sở vật chất, nhân lực y tế.
Ông Phu cũng chỉ ra thực tế cho thấy khi dịch bùng phát trong thời gian vừa qua các địa phương đều có sự hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện nới lỏng, nhiều địa phương xuất hiện ca bệnh với số lượng lớn nên việc hỗ trợ cũng gặp khó khăn. Một số địa phương chưa có kinh nghiệm vì nhiều tỉnh thời gian qua chưa có dịch, phản ứng của hệ thống không nhanh bằng những tỉnh đã có kinh nghiệm. Vì vậy, các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải hết sức lưu ý để dịch không bùng phát mạnh.
“Để kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chúng ta vẫn phải thực hiện chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch cũng như điều trị hiệu quả, chỉ thay đổi giải pháp. Tôi muốn nhấn mạnh là càng phát hiện dịch sớm càng tốt và phong tỏa chặt để dịch không bùng phát,” Phó giáo sư Phu cho hay.
Vấn đề thứ hai là tiêm vaccine, đây là biện pháp bền vững nhất và mang tính hiệu quả tốt, song đòi hỏi cần phải có thời gian.
Điểm thứ ba, theo Phó giáo sư Phu, là các địa phương phải củng cố nhanh hệ thống y tế cơ sở. Một vấn đề nữa là cần đảm bảo an sinh xã hội trong những vùng dịch, nơi khó khăn để đảm bảo các mục tiêu y tế được thực hiện hiệu quả.
Để thực hiện được 3 mục tiêu này, Phó giáo sư Phu cho rằng các địa phương trước tiên phải giành thế chủ động, không để bị động và nhất thiết phải xây dựng các kịch bản cho những tình huống khác nhau. Mặt khác, các tỉnh phải nâng cao năng lực về xét nghiệm, điều trị, hệ thống y tế cơ sở cùng với hệ thống cán bộ hồi sức cấp cứu, năng lực cán bộ của hệ thống y tế.
“Chúng ta trải qua 4 đợt dịch nhưng không có đợt dịch nào giống đợt dịch nào. Vì vậy, các địa phương phải thích ứng linh hoạt, phản ứng với đúng thực tế, lấy kinh nghiệm từ các đợt dịch trước để giải quyết đợt dịch sau. Có một kinh nghiệm là các tỉnh, thành phố cần không để 'vỡ trận' dự phòng. Bởi để vỡ tuyến phòng thủ này cũng đồng nghĩa với việc 'vỡ trận' điều trị. Khi có tình trạng số ca mắc tăng lên cao quá không kiểm soát được sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, việc quá tải hệ thống y tế gây chuyển bệnh nặng làm tử vong…,” vị cố vấn cấp cao nhấn mạnh.
Do vậy, mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành phố cần có cách làm khác nhau trên cơ sở tình hình dịch trên địa bàn cũng như các bài học kinh nghiệm thu nhận được. Trong bối cảnh đó, các tỉnh phía Bắc nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ mắc cao khi dịch bùng phát nặng cần phải thích ứng linh hoạt để thực thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.