Ý thức, trách nhiệm của người dân: “Lá chắn thép” trong phòng, chống dịch COVID-19

Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, xã hội tại nước ta. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân là rất quan trọng và cần thiết. Vì thế, mỗi người dân hãy tự bảo vệ cho chính bản thân bằng cách thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, nhất là thông điệp “5K”, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tổ phòng-chống Covid-19 cộng đồng phường Hội Thương (TP. Pleiku) tuyên truyền các hộ dân có người đang thực hiện cách ly tại gia đình.
Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng tuyên truyền các hộ dân có người đang thực hiện cách ly tại gia đình - Ảnh: IT.

Ý thức người dân - Yếu tố quyết định chiến thắng đại dịch Covid-19

Ở nước ta, khi dịch bùng phát, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Bộ Y tế liên tục phát đi khuyến cáo nhắc nhở người dân tự bảo vệ mình và cộng đồng. Trong tình hình đó, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, của đội ngũ y bác sĩ, và những nguồn lực vật chất, chúng ta rất cần phải dùng đến sức mạnh của ý thức để cùng đẩy lui dịch bệnh này. Như vậy, ý thức được đề cập ở đây là sự nhận thức và hành động của cá nhân và cộng đồng để ứng phó trước đại dịch.

Nhìn lại chặng đường chống dịch vừa qua, có thể thấy rõ những tác động của dịch bệnh lên ý thức con người, đồng thời cũng thấy rõ những ảnh hưởng của ý thức xã hội, ý thức cá nhân tới cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và ý thức phòng chống dịch bệnh dần trở thành ý thức phổ biến trong toàn xã hội. Người dân thích ứng dần với cuộc sống thời dịch: đeo khẩu trang khi ra đường, tiết chế chi tiêu phòng lúc khó khăn, phòng bị trước cho việc phải đi cách ly hoặc phong tỏa. Mọi hoạt động của con người, từ cách đi lại, làm việc, học tập, giao tiếp, ăn uống cho đến các tập quán, truyền thống, thói quen... đều phải thay đổi để phù hợp với với việc “chống dịch như chống giặc” và trạng thái bình thường mới.

Khi dịch bùng phát mạnh, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đã làm việc với cường độ lao động căng thẳng với nỗ lực tột cùng cả về trí tuệ và sức lực để giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Nhiều cán bộ chiến sĩ, các tình nguyện viên không quản ngại gian khổ, nguy hiểm tích cực khoanh vùng, truy vết, lập chốt bảo vệ, bố trí cho người đi cách ly và làm công tác tiếp tế, cứu trợ. Chính ý thức được nêu cao đó đã góp phần giúp chúng ta kìm chế được sự phát triển của dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Hải Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Dù triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhưng những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 vẫn xuất hiện trong cộng đồng ở một số khu vực và một vài địa phương như: Hà Giang, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Gia Lai,... Những thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hoàn toàn có thể “đổ sông đổ biển”, nguy cơ bùng phát dịch ở diện rộng rất lớn nếu như vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm, thiếu tự giác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế, thậm chí cố tình vi phạm các quy định, như: Trốn cách ly, không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, tụ tập đông người, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bên cạnh việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên mọi người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, với mục đích để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước dịch bệnh. Mỗi người dân và gia đình cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, như: Không tụ tập ăn uống đông người, tổ chức liên hoan, sinh hoạt tập thể; chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp nhập cảnh trái phép, người về từ vùng dịch không khai báo, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại nơi cư trú. Ý thức người dân sẽ là những “chốt chặn” quan trọng để cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện có 2 hàng rào chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là 5K và vaccine. Nếu người dân không thực hiện nghiêm 5K mà chỉ trông chờ vào vaccine thì nếu xuất hiện chủng loại virus mới, vaccine cũ không thể bảo vệ được người dân sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn dài, để tiếp tục giữ vững những thành quả đã đạt được, cần lắm trong mỗi chúng ta không chỉ thực hiện tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mà mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên tích cực, nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cũng như các biện pháp phòng, chống dịch, sẵn sàng nhắc nhở ngay khi có người xung quanh chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Chung sống an toàn với dịch - Hướng tới bình thường mới

Phát biểu tại Tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng chống dịch hiện nay. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng cao, việc bao phủ vaccine của chúng ta cũng đang ở mức còn khiêm tốn. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.

Tại Việt Nam, qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, công tác phòng chống dịch của chúng ta đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Song song áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả ở các thời điểm, nhất là thời điểm hiện nay, là rất đúng thời điểm, để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine.

Đồng thời cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Khi phát hiện thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình...

Cùng với đó, hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".

Cùng với đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.

Vì vậy, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Không thể có “zero Covid-19”, cho nên phải thích ứng, mà là thích ứng an toàn. Các nguyên tắc xác định: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh, ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.”

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.