Tập trung khôi phục, hỗ trợ thị trường lao động sau dịch COVID-19

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, người lao động đã và đang trở về các tỉnh. Điều này gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các tỉnh/ khu công nghiệp khi chúng ta từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp. Để thị trường lao động phục hồi sau dịch COVID-19, bên cạnh việc bảo đảm an sinh, chăm lo bằng các chế độ phúc lợi hợp lý, cần bảo đảm tiêm vắc-xin để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Người lao động tại Công ty May Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa (Nguồn: Nhân dân).
Người lao động tại Công ty May Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa (Nguồn: Nhân dân).

Thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua

Số liệu công bố cho thấy, tính riêng quý III/2021 vừa qua, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 như mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch COVID-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 24 - 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trong quý III, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động lên đến hơn 1,7 triệu người (tăng 532 nghìn người so với quý trước và tăng gần 445 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây thì thu nhập bình quân tháng của lao động quý III/2021 chỉ là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2021, hầu hết ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề với mức bình quân tháng là 6,2 triệu đồng (giảm 1 triệu đồng so với quý trước).

Dịch Covid-19 tác động lớn đến thị trường lao động trong nước - Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN).
Dịch Covid-19 tác động lớn đến thị trường lao động trong nước - Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN).

Khi đại dịch diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp buộc phải sa thải hoặc để người lao động tạm dừng việc, một lượng lớn những người lao động này đã di chuyển ra khỏi khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có  đông dân cư với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp khi chúng ta từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để không xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường lao động. Do người lao động đang đứng trước hai cú sốc nặng nề do vừa trải qua giãn cách, bức xúc không có việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn và tâm lý e ngại, sợ dịch bệnh không sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi dịch được kiểm soát sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất khi phục hồi sản xuất.

Theo các chuyên gia lao động, các kịch bản phục hồi của thị trường lao động hiện phải dựa vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, đà phục hồi của nền kinh tế không chỉ trong nước mà còn phụ thuộc vào cả nhiều thị trường trên thế giới bởi hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Mặc dù chưa thể đưa ra những nhận định cụ thể về thị trường lao động thời gian tới nhưng vẫn có một số lĩnh vực gia tăng tuyển dụng.

Cần chuẩn bị phương án hỗ trợ người lao động quay lại làm việc

Chia sẻ với báo chí về giải pháp đặt ra hiện nay với doanh nghiệp, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Khóa 14 cho rằng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở vật chất và làm sạch môi trường, khử khuẩn và chuẩn bị điều kiện làm việc an toàn trong điều kiện chung sống an toàn với COVID-19, tức là kiểm soát dịch chứ không để dịch kiểm soát chúng ta, đảm bảo cho người lao động tiêm đủ liều vaccine. Đồng thời, doanh nghiệp phải có các chính sách thu hút người lao động như là: miễn hoặc giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề hoặc đào tạo lại cho người lao động, chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chính sách hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ và phương tiện đi lại bảo đảm an toàn phòng dịch.

Đây là các biện pháp tích cực thu hút lao động nhưng doanh nghiệp phải tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thậm chí còn chịu lỗ để bảo đảm duy trì sản xuất, khoan sức lao động chuẩn bị cho sự phuc hồi, ổn định và tăng tốc phát triển trong tương lai. Đây có thể như là giải pháp đi trước đón đầu, cho phát triển. 

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, ngay từ bây giờ, các địa phương cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động. 

Cùng với đó là những chính sách, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp cần thiết để tái sử dụng lại những lao động đã bị dừng/ nghỉ việc do dịch bệnh thông qua các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh khi thị trường lao động sôi nổi trở lại, vì vậy, khả năng kết nối cung - cầu lao động của thị trường sẽ tiếp tục là vấn đề cần phải đặt ra hàng đầu cho các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động; vấn đề cốt lõi là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Hỗ trợ thị trường lao động phục hồi sau dịch COVID-19

Để thị trường lao động phục hồi sau dịch COVID-19, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động như hỗ trợ các đối tượng lao động có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người lao động thông qua Ngân hàng chính sách xã hội…

Thị trường lao động dần phục hồi sau dịch - Ảnh minh họa (Nguồn: Nhân dân).
Thị trường lao động dần phục hồi sau dịch - Ảnh minh họa (Nguồn: Nhân dân).

Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý III/2021, số người có việc làm tại Hà Nội giảm 5,3% so với quý trước và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0,3% so với quý trước. Tuy thị trường lao động không đứng trước nguy cơ “đứt gãy”, song hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn thiếu người làm việc ở một số ngành, nghề, lĩnh vực như xây dựng, lắp đặt nội thất, cơ khí…

Để thị trường lao động phục hồi sau dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội. Đến thời điểm này, tổng nguồn lực mà Thành phố hỗ trợ lên tới gần 2.000 tỷ đồng, với gần 3.500 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được thụ hưởng.

Cùng với đó, TP. Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thành phố cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm cho người lao động thông qua việc bổ sung 500 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người lao động trên địa bàn Thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trong 9 tháng của năm 2021, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 116,1 nghìn lao động, đạt 72,5% kế hoạch năm, trong đó, có 32,9 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 1,5 nghìn tỷ đồng.

Thông tin chia sẻ trước báo chí, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động tại Hà Nội sẽ có xu hướng tăng tỷ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế. Nhiều người lao động có thể đi làm trở lại và tham gia vào chuỗi sản xuất, thay vì bị ngừng việc hoặc phải làm việc tại nhà, làm việc từ xa.

Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo các Chỉ thị của Thành phố, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm đã triển khai các hoạt động chắp nối việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến, tăng cường hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, Trung tâm tiếp tục triển khai thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung- cầu cũng như tổng hợp, phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook…

Có thể thấy, để thị trường lao động dần hồi phục, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, doanh nghiệp phát triển, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp.

Ngoài nhóm lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, cả nước có hàng chục triệu lượt người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ khác từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng chủ động huy động nhiều nguồn lực để trợ giúp cấp bách cho người lao động.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương chia sẻ trước báo chí, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7-2021 đến nay, toàn thành phố đã trích ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ về nhiều mặt cho hơn 3 triệu lượt người dân, người lao động, giúp đa số người lao động yên tâm thực hiện “ở đâu, ở yên đó”.

Giải pháp lâu dài được các cơ quan chức năng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới. Còn về công tác đào tạo nghề tập trung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.