Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong sáng 11/9 đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự tham gia của các Tổ COVID-19 cộng đồng; sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ."
Sự vào cuộc tích cực của các Tổ COVID-19 cộng đồng chính là sự hiện thực hóa việc chuyển hướng chiến lược chống dịch về cơ sở được nêu rõ trong Công điện số 1099/CĐ- TTg ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi phường, xã là một pháo đài, mỗi người dân đều là chiến sỹ; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch; sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết dịnh thành công trong phòng, chống dịch.
Thực tế đã chứng minh, trong nhiều đợt dịch, các Tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Mô hình này phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến chung đẩy lùi dịch bệnh.
Đồng thời, các Tổ COVID-19 cộng đồng thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa chính quyền và nhân dân, qua đó tạo nên sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc.
Đánh giá về mô hình Tổ Covid cộng đồng, PGS, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã có chia sẻ với báo chí: Tổ Covid cộng đồng là vũ khí chống dịch độc đáo của Việt Nam. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân; là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch.
Các Tổ Covid cộng đồng hoạt động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm rõ sự biến động của các nhân khẩu trên địa bàn, nắm danh sách cụ thể những trường hợp có đi, đến vùng dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe để báo với cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời; tham gia trực chốt tại các điểm phong tỏa liên tục 24/24 giờ, lập chốt trực, đo thân nhiệt, sát khuẩn tại các khu dân cư, chung cư. Thông qua hoạt động giám sát, những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch đều được các thành viên tổ trực tiếp nhắc nhở hoặc đề nghị chính quyền địa phương xử phạt theo quy định. Mỗi tổ phụ trách trực tiếp theo dõi từ 30 đến 50 gia đình.
Có thể khẳng định, đây là mô hình trực tiếp gần dân, sát dân; là cầu nối giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhân dân; thể hiện sâu sắc chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và là minh chứng cho thấy chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.
Trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là tỉnh có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh trong khoảng thời gian ngắn vào tháng 5/2021.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng chính là công tác điều tra, giám sát dịch tễ. Mạng lưới Tổ COVID-19 cộng đồng nhanh chóng được thành lập. Đến nay, Bắc Giang có tổng cộng 10.963 tổ, nhóm phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng, tổ phòng, chống COVID-19 tại các nhà trọ công nhân, khu chung cư với tổng số gần 40.000 thành viên.
Mỗi tổ, nhóm có 3-4 người là cán bộ thôn, bản, tổ dân phố, các đoàn thể, người có uy tín, công dân gương mẫu, tình nguyện viên tại khu dân cư; phụ trách từ 20-40 hộ gia đình hoặc từ 50-100 công nhân.
Đến giữa tháng 9/2021, các Tổ COVID-19 cộng đồng tại Bắc Giang đã phát hiện 2.269 người dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở để báo chính quyền và cơ quan y tế cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Đặc biệt, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch, đã có gần 70.000 công nhân được các thành viên của các tổ đảm bảo lương thực thiết yếu đến tận nhà trọ trong những ngày bị phong tỏa. Mọi nhu cầu đặc biệt của người dân, công nhân đều được đảm bảo như cung cấp thuốc chữa bệnh mạn tính, chăm sóc sức khỏe công nhân mang bầu, nuôi con nhỏ…
Bắc Giang trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 10/7. Tỉnh có gần 6.000 ca F0 và hầu hết các bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. Thành công của Bắc Giang được coi là “thần kỳ” nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp của mạng lưới Tổ COVID-19 cộng đồng.
Tại tỉnh Hà Nam, trong những ngày vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Phủ Lý có nhiều diễn biến phức tạp, kể từ ngày 19/9 khi thành phố Phủ Lý xuất hiện ca F0 đầu tiên tại thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, tổ COVID cộng đồng trên địa bàn các phường, xã đã được nêu cao vai trò trách nhiệm, đã phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát dịch bệnh tại địa bàn khu dân cư, giúp chính quyền địa phương và các lực lượng thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Với khẩu hiệu “Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân" và phương châm thực hiện "Mỗi xã, phường hãy là 1 pháo đài. Mỗi người dân hãy là 1 chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể chống dịch" BCĐ Phòng chống dịch Covid -19 thành phố Phủ Lý đã phát huy vai trò của tổ COVID cộng đồng. Huy động lực lượng toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch, thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm người đi từ vùng dịch về địa bàn để có biện pháp cách ly theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ Y tế.
Theo ông Trương Quốc Bảo - Chủ tịch UBND thành phố - Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid 19 thành phố Phủ Lý: Nhiệm vụ của các tổ COVID cộng đồng rất hiệu quả và cần thiết, vì đa phần các thành viên nắm chắc địa bàn, tinh thần trách nhiệm cao, làm việc không mệt mỏi, có uy tín, luôn tích cực với công việc. Các tổ COVID đã phát huy tốt vai trò của mình, trở thành "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, phường trong việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Để các thành viên trong tổ COVID hoạt động hiệu quả, thành phố cũng đã hướng dẫn cho cán bộ y tế cơ sở và cán bộ tổ Covid cộng đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn.
Phát huy vai trò trách nhiệm, 552 tổ Covid cộng đồng của 21 phường, xã trên địa bàn TP. Phủ Lý đã bám sát địa bàn phụ trách để thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát. Với tổng số gần 2000 thành viên, các tổ Covid cộng đồng tại các phường, xã của thành phố đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, của Thành phố, và của các phường xã để xác định công tác phòng, chống dịch. Coi công tác giám sát, khoanh vùng dập dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến rất phức tạp, thời gian tới trong công tác phòng, chống dịch thành phố Phủ Lý sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác phòng, chống dịch. Tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên tổ COVID cộng đồng, đặc biệt là công tác truy vết F0, F1, F2 để giám sát cách ly y tế, đồng thời chú trọng việc rà soát những người ở nơi khác về để yêu cầu khai báo y tế, hạn chế nguồn lây lan dịch bệnh.
Thời gian qua, hệ thống các Tổ COVID cộng đồng tại địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của dịch COVID-19, thời gian qua, xã Phong Phú đã chú trọng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch gắn với phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng. Đến nay, 100% số xóm trên địa bàn xã đều đã thành lập các Tổ COVID cộng đồng với trên 120 thành viên là đại diện các tổ chức trong hệ thống chính trị, như trưởng thôn, xóm, chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên... Đây là những người sâu sát, thường xuyên bám nắm địa bàn. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thành viên các Tổ COVID cộng đồng đã trực tiếp tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Chị Bùi Thị Thành ở xóm Bả, xã Phong Phú chia sẻ: “Tổ COVID cộng đồng đến tận nhà tuyên truyền, động viên mọi người cùng nâng cao ý thức tự giác, thực hiện tốt các quy định để dịch bệnh không có cơ hội xâm nhập, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của bà con trong xã”.
Thành viên các Tổ COVID cộng đồng là bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó các khu dân cư, khu phố, hội viên các tổ chức đoàn thể ở địa phương... Nêu cao tinh thần trách nhiệm, họ đã trực tiếp đến từng gia đình để tuyên truyền cho người dân các nội dung công tác phòng chống dịch một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với các nội dung hoạt động cụ thể, Tổ COVID cộng đồng đã cùng các lực lượng chức năng, nhất là cán bộ, nhân viên y tế thực hiện có hiệu quả “phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.
Theo ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, thành viên các Tổ COVID cộng đồng đã thực sự là “tai mắt”, cánh tay nối dài tại cơ sở. Tuy không có chế độ hỗ trợ về tài chính, nhưng với tinh thần trách nhiệm, thành viên các Tổ COVID cộng đồng đã trở thành nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền và thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch tại các xóm, bản, khu dân cư.
Đến thời điểm hiện nay, việc kiểm soát và ngăn chặn dịch COVID-19 của tỉnh Hòa Bình đang được thực hiện tương đối có hiệu quả. Đóng góp vào kết quả chung đó, có vai trò không nhỏ của hệ thống các Tổ COVID cộng đồng.
Hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng cho thấy: Để công tác phòng chống dịch đạt kết quả, mọi diễn biến phải được quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở. Bởi, mỗi thành viên của Tổ Covid cộng đồng chính là mỗi người dân sinh sống trên từng địa bàn tổ dân phố. Họ là những người nắm tình hình chắc nhất; đồng thời cũng là người đưa ra phương án xử lý sớm nhất. Bởi vậy, mô hình hoạt động của Tổ Covid cộng đồng cần được nghiên cứu, tổng kết để triển khai nhân rộng, bảo đảm công tác PCD hiệu quả, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.