Theo số liệu thống kê quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD tăng 3,1% về số lượng xuất khẩu nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị. Cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu tuy có tăng nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp (kim ngạch chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước).
Bên cạnh xuất khẩu tăng, giá cà phê thời gian qua ghi nhận mức tăng kỷ lục, nhất là cà phê Robusta với mức giá xuất khẩu 4.000 USD/tấn. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô hướng tới mức 100.000 đồng/kg trong tuần qua.
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 98.100 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 98.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê được thu mua cùng mức 98.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 98.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 98.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 98.600 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 98.500 đồng/kg. Còn giá cà nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 98.500 đồng/kg.
Trong tháng 3/2024, giá cà phê nội địa tăng đến 15.000 đồng/kg, liên tiếp phá kỷ lục. Chỉ riêng tuần trước, giá cà phê tăng 1.600 - 1.800 đồng/kg và tuần trước nữa tăng 2.500 đồng/kg. Điều là này do nguồn cung thắt chặt và lo ngại thời tiết khô sẽ khiến sản lượng cà phê niên vụ tới suy giảm.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) lý giải về giá cà phê tăng cao là do nguồn cung ngày một giảm tại các quốc gia sản xuất cà phê như Việt Nam, Brazil và Indonesia. Riêng đối với cà phê Robusta, đây là loại cà phê được các nhà rang xay trên thế giới ưu tiên chọn lựa, giá liên tục phá đỉnh lịch sử. Sức mua mạnh đã kích hoạt các lệnh mua tự động, đẩy giá cà phê kỳ hạn liên tiếp thiết lập những mức kỷ lục mới.
Trong tuần qua, giá cà phê Robusta của Việt Nam đạt mức 4.000 USD/tấn và những ngày cuối tháng 3/2024, giá xuất khẩu có điều chỉnh giảm, song vẫn ở ngưỡng cao so với mọi năm. Bình quân 3 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu cà phê đạt 2.373 USD/tấn.
Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Không chỉ xuất khẩu, tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân cũng tăng lên ngưỡng cao nhất mọi thời đại và sắp chạm đỉnh 100.000 đồng/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho rằng, với giá xuất khẩu hiện nay, người trồng cà phê trong nước có vụ thu hoạch “trúng đậm” chưa từng có, dù sản lượng sụt giảm nhiều do ảnh hưởng thời tiết và xu hướng chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn của nông dân.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam thông tin, mặc dù giá cà phê tăng, nhưng cà phê của Việt Nam đã cạn dần. Tồn trong kho, trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm. Khả năng kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024.
Ông Gruber Alexander Lukas, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee, cho rằng Việt Nam nên "cá nhân hóa" mặt hàng cà phê. Cà phê Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá thấp. Hương vị cà phê Việt đang được thế giới ưa chuộng. Do đó, Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các phân khúc khác nhau để xuất khẩu.
Việc hỗ trợ nông dân, tạo liên kết bền vững để phát triển ngành hàng cà phê đang được coi là một trong những chìa khóa để đưa các sản phẩm cà phê Việt nâng cao giá trị hơn nữa.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nâng cao trình độ canh tác của nông dân. Ông Định cho biết đã có các chương trình đào tạo, tập huấn sản xuất tốt của các doanh nghiệp, của các nhà khoa học. Nhưng các chương trình này chưa nhiều, tập huấn xong nông dân phải tự học thêm.
Ông đề nghị cần tăng cường các nội dung đào tạo này, từ nhà khoa học, doanh nghiệp cho đến các nông dân giỏi. Việc đào tạo, tập huấn cũng nên triển khai ngay trên vườn ruộng của nông dân thay vì trong hội trường, trong phòng nghiên cứu. Khi đó, nông dân dễ tiếp cận và tính lan tỏa sẽ cao hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa là khâu liên kết sản xuất phải đảm bảo bền vững. Trong nước đã có một số mô hình xong chưa nhiều. Ở nhiều nước; doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động ngay trong tổ chức của HTX, hoặc của Hội Nông dân. Nghĩa là các khâu gắn kết trong cùng 1 hệ thống.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận, chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới, vì nhiều nguyên nhân.
Việt Nam cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam, ông Dương nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.
Việt Nam có đến 1 triệu hộ tham gia sản xuất trên 660.000 ha cà phê nhưng sự kết nối giữa các chủ thể trồng cà phê còn rời rạc. Nhiều năm qua, Việt Nam đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cà phê Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo yêu cầu trong nước và thế giới.
Theo ông Tùng, giải pháp sắp tới không chỉ là vấn đề kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, hay tăng cường chế biến. "Giải pháp phải đưa ra cần giúp người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia; thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê", ông Tùng chia sẻ.
Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê và vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê Robusta. Cà phê Việt đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.