Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tư duy mua - bán, tiền trao cháo múc hiện nay trong nông nghiệp cần chuyển sang tư duy hợp tác. Đặc biệt là cần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, để sản phẩm đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì chỉ mua đứt bán đoạn.
Bộ trưởng gợi ý doanh nghiệp khi hợp tác với nông dân cần có sự liên kết với Hội nông dân, chính quyền sở tại để tăng thêm hệ thống giám sát, nhằm tạo sự minh bạch cho sản phẩm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.
“An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của từng người. Tất cả phải cùng chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp nông dân thay đổi cách sản xuất” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn đang đối diện nỗi lo dư lượng. Điều đáng lo là tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó. "Nhiều người chưa thực sự ý thức làm chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu", bà Hạnh nói.
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường. Thời gian gần đây và thậm chí là rất lâu trước kia, lại có những hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng.
Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội. Về việc kiểm soát an toàn phẩm, đảm bảo minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay, cần đề cao vai trò của tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội cùng tham gia. Kể cả trách nhiệm của thương lái cũng cần nâng cao vì họ là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.
Một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng: Nhiều nhà sản xuất, đơn vị cung ứng còn chưa có tính tự giác trong sản xuất và chế biến các sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng mà họ còn chạy theo lợi nhuận; nông dân sản xuất manh mún; sản xuất theo phong trào; sản xuất thủ công chưa ứng dụng công nghệ…
Các đại biểu cũng đã đưa ra giải pháp, đó là cần áp dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến; kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ đầu khi đưa con giống vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm, với chất lượng tốt; đồng bộ trong khâu quản lý để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng.
Thư Trà