Đường đi nông sản gặp nhiều khó khăn
Tổng cục Thống kê cho biết, bước vào năm 2021, hoạt động xuất khẩu đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức gây ra bởi dịch Covid-19. Đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở nhiều địa phương đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng – tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản Việt Nam (bao gồm 8 mặt hàng chủ yếu là hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) vẫn tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Tuy vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 8 tháng năm 2021, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo từ nay đến cuối năm, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, vận chuyển, hàng hóa và tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất cũng như chế biến nông sản xuất khẩu.
Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tăng chi phí để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó là tình trạng khan hiếm container, cước vận chuyển hàng xuất khẩu không ngừng tăng lên. Chi phí vận chuyển đến các thị trường như Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2 đến 3 lần trong năm qua và đang tiếp tục tăng mạnh.
Tại Công ty TNHH Thành Long (Sơn Dương), sản phẩm chè Thành Long đang có thị trường tiêu thụ chính là các nước Trung Đông. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề do chè không tiêu thụ được. Ông Nguyễn Trác Long, Giám đốc Công ty TNHH Thành Long cho biết, ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường xuất khẩu chè truyền thống như Pakistan, Afghanistan bị “đóng băng”, nhiều đối tác tạm hoãn các hợp đồng, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn của đơn vị. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ngoài các chính sách hỗ trợ từ UBND tỉnh và các ngân hàng, như giãn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng... đơn vị hiện cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ở thị trường nội địa, sang các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh...
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng nông sản và các loại rau củ cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm là khá lớn, trong khi đó việc lưu thông, tiêu thụ vẫn đối mặt với không ít khó khăn do dịch COVID-19, vì vậy cần có giải pháp hiệu quả để không đứt gãy chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Nhìn nhận về vấn đề này, Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết những bất cập trong kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đã được khắc phục một phần, nhưng nhìn chung tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn khó khăn. Chuỗi tiêu thụ nhiều loại nông sản có hiện tượng đứt gãy cục bộ, nhất là đối với hàng hoá do người dân sản xuất riêng lẻ, tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Thêm vào đó, chi phí lưu thông hàng hóa tăng 3-4 lần so với trước khi có dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng nông dân khó tìm đầu ra và phải bán nông sản với giá rất thấp nhưng người mua lại phải trả với giá rất cao.
Ông Lê Thanh Tùng Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, qua đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và cả doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tìm được đầu ra dễ hơn các nông hộ sản xuất riêng lẻ, các nông sản có chứng nhận OCOP hay VietGAP đều tiêu thụ rất nhanh
“Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả nhất” Ông Tùng nói.
Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ… nông sản
Trong những tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, tại những vùng đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có nhiệm vụ chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản ở các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất…
Đặc biệt cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu vực đã khống chế được dịch COVID-19 để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam; tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của hai tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam.
Đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở của thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản); khẩn trương đàm phán thống nhất với cơ quan liên quan của Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm dịch động thực vật vào thị trường Trung Quốc.
Bộ Công Thương chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; kiểm tra, hướng dẫn lưu thông thống nhất tại các địa phương; rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con...
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ