Theo đó, toàn bộ diện tích chè mở rộng này sẽ áp dụng quy trình kỹ thuật trong thiết kế, trồng, chăm sóc, chứng nhận chè VietGAP, chè hữu cơ. Cùng với đó, rà soát, đánh giá hiện trạng vùng nguyên liệu, tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè.
Cụ thể, năm 2021, Lào Cai tiến hành thâm canh 2.566ha chè kinh doanh đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu trong đó duy trì 2.202ha, mở rộng 364ha, sản lượng chè búp tươi dự kiến đạt 37.500 tấn. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Giảm tỷ lệ xuất khẩu sang thị trường dễ tính như các nước vùng Trung Đông và Pakistan; tăng tỷ lệ xuất khẩu sang các nước EU, Đông Âu, Đài Loan.
Tại tỉnh Lào Cai, cây chè đang được quy hoạch tập trung thành từng vùng trọng điểm, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Hàng năm, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị cây giống có chất lượng tốt, bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng vùng chè an toàn.
Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi ổn định theo hợp đồng, tạo niềm tin cho các gia đình mở rộng diện tích trồng chè...
Sơn Thủy