Theo Bộ Công Thương, từ cuối tháng 9/2021 giá nhiều mặt hàng thủy sản đã dần hồi phục và tăng trở lại so với trước dịch Covid-19. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang từ cuối tháng 9/2021 đã tăng trở lại. Đến cuối tháng 10, giá cá tra thịt trắng kích thước 0,7 - 1,1 kg/con được bán ra dao động ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 3.300 đồng/kg so với hồi đầu năm và tăng 1.000 - 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra thịt trắng kích thước > 1,2 kg/con giao dịch ở mức 22.500 - 23.500 đồng/kg, tăng 2.300 3.300 đồng/kg so với đầu năm và tăng 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020.
Ghẹ sữa tươi đang được bán ra với mức giá dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, do đang bước vào chính vụ nên đôi lúc giá giảm nhẹ còn khoảng 48.000 đồng/kg. Ghẹ sữa say sẵn được bán với giá 60.000 - 65.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
Vào khoảng tháng 11 hằng năm là thời điểm vào mùa ghẹ sữa, sản lượng ghẹ sữa nhiều dẫn đến mức giá sẽ giảm đi so với những tháng khác. Ghẹ sữa được người dân bắt từ tự nhiên, ghẹ sữa mang hương vị giống với cua đồng, nhiều gạch, ngọt nước và rất thơm nên được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, mức giá ghẹ sữa lại thấp hơn nhiều so với giá cua.
Vào thời điểm này, bên cạnh ghẹ sữa, cua cù kỳ cũng là một loại đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên, mức giá khá cao so với ghẹ sữa. Cua cù kỳ đen thường được bán ra với mức giá dao động từ 190.000 - 250.000 đồng/kg, tùy mùa và tùy kích cỡ. Loại cù kỳ nâu, con nhỏ và không ngọt bằng cù kỳ đen cũng có giá dao động vào khoảng 100.000 - 130.000 đồng/kg. Được biết, do việc đánh bắt loại cua này khó khăn, nên sản lượng bán ra ít và mức giá cao. Giá thị trường của cua cù kỳ rẻ chỉ bằng 1/3 giá cua, ghe nhưng thịt lại rất thơm, nhiều gạch, ngon ngọt nên được nhiều người yêu thích và săn lùng.
Bên cạnh đó, hiện trên thị trường nhiều mặt hàng thủy hải sản khác cũng tăng giá liên tục như: Tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg được mua tại ao của nông dân với giá 230.000 đồng/kg; loại 25 con/kg có giá 175.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 154.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 132.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá 122.000 đồng/kg; loại 60 con/kg khoảng 108.000 đồng/kg, loại 70 con/kg ở mức 103.000 đồng/kg, loại 80 con/kg có giá 98.000 đồng/kg, loại 90 con/kg có giá 90.000 đồng/kg và loại 100 con/kg ở mức 85.000 đồng/kg.
Tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg được doanh nghiệp tại các nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu thu mua với giá 240.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 160.000 - 165.000 đồng/kg, loại 40 con/kg dao động ở mức 140.000 - 145.000 đồng/kg và loại 100 con/kg có giá 90.000 - 95.000 đồng/kg. Dự kiến giá tôm còn tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg vì sản lượng từ đây đến cuối năm sẽ giảm dần cho gần cuối vụ.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 139.780 ha nuôi trồng thủy sản với nhiều mô hình nuôi khác nhau như tôm thẻ siêu thâm canh, tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh, mô hình kết hợp tôm-lúa, mô hình quản canh cải tiến kết hợp, với sản lượng 200.000 tấn/năm. Trong số đó, huyện Đông Hải là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với hơn 39.000 ha. Giá tôm nguyên liêu tăng đã mang đến tâm trạng phấn khởi cho người nuôi, bởi trong thời gian dài, rất nhiều hộ phải treo ao vì sợ thua lỗ. Hiện tại 100% diện tích nuôi tôm của huyện Đông Hải đều đã được thả giống, trong số này có gần 1.000 ha nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh
Ông Tạ Minh Khoa, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải - người có 15 năm gắn bó với nghề nuôi tôm qua nhiều mô hình nuôi khác nhau chia sẻ: Trước đây, gia đình nuôi tôm theo mô hình quảng canh, rồi quảng canh cải tiến, đến nuôi tôm công nghiệp nhưng từ năm 2018 đến nay ông chuyển sang mô hình siêu thâm canh. Những tháng đầu năm do giá tôm giảm nên ông treo ao chờ giá tăng mới nuôi. Ông Khoa cho rằng nếu giá tôm giữ đà tăng trưởng như hiện nay, người nuôi chắc chắn sẽ có lợi nhuận.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, thông thường những tháng cuối năm, giá tôm nguyên liệu cao hơn so với những tháng khác trong năm. Vì vậy, ở thời điểm này, người nuôi tôm, ai cũng đặt kỳ vọng lớn vào vụ tôm nuôi cuối năm.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần phục hồi trở lại trong quý IV/2021 khi tình hình dịch Covid-19 trong nước đã dần được kiểm soát. Hơn thế nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản dịp cuối năm cũng tăng cao và sẽ giúp cho việc xuất khẩu thủy sản phục hồi mạnh trở lại.
Nhân Lê