Năm 2022 phân khu bất động sản công nghiệp vẫn là một điểm sáng

Trong năm 2022, trên cả nước có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành, trong đó 397 KCN đã được thành lập, 292 KCN đã đi vào hoạt động.

Năm 2022 phân khu bất động sản công nghiệp vẫn là một điểm sáng - Ảnh 1

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cả nước có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 KCN đã được thành lập; 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87.100 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha.

Có 106 KCN đang trọng quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha; diện tích đất công nghiệp khoảng 23,8 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN trên cả nước có xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Tỷ lệ lấp đầy các KCN tại các tỉnh phía Nam là khoảng 85%.

Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Đặc biệt, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ đạt trên 95%.

Giá thuê tăng khoảng 10% so với kỳ trước, trung bình 100 - 120 USD/m2/chu kỳ thuê và sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam do nguồn cung khan hiếm.

Tại các KCN miền Bắc, giá thuê dao động từ 90 - 120 USD/m2/chu kỳ thuê.

Tại khu vực miền Nam, thị trường TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức giá thuê trung bình cao nhất, dao động từ 180-300 USD/m2. Tiếp theo là Long An với mức giá thuê trung bình trong khoảng 125-275 USD/m2. Mức giá thuê tại Bình Dương dao động từ 100-250 USD/m2 còn tại Đồng Nai là từ 100-200 USD/m2. Mức giá này được tính theo mỗi chu kỳ thuê.

Bên cạnh đó, đơn vị thông tin thêm, 5 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất gồm: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Bắc Ninh.

Trong đó, Đồng Nai nổi bật là tỉnh có khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước với 31 khu, tỷ lệ lấp đầy 84%; Bình Dương là tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích 12.721 ha (từ 31 khu công nghiệp) chiếm ¼ diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam, và 13% diện tích khu công nghiệp Việt Nam.

Còn Bắc Ninh là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất miền Bắc với 15 khu; Hải Phòng là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp lớn nhất khu vực phía Bắc với 14 khu, cụm công nghiệp đã được xây dựng, hình thành; Hưng Yên là tỉnh có quỹ đất dự kiến cho phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước…

Mặc dù các KCN phát triển, nhưng lại có rất ít dự án nhà ở công nhân với quy mô khoảng hơn 3.000 căn. Điển hình là Quảng Ninh dự án khoảng 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở; Bắc Ninh dự án khoảng 2.000 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở; TP. Hồ Chí Minh dự án khoảng 360 căn, đáp ứng 1.000 chỗ… Cả nước mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.

Về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm của các tỉnh trong Vùng.

Đồng thời, cần quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.

Tiến Hoàng

Từ khóa: