Trong năm 2022, xuất khẩu lâm sản vẫn ước đạt 16,9 tỷ USD; tăng 6% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu xuất khẩu 16,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,8 tỷ USD; tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,3%.
Một trong những động lực quan trọng của xuất khẩu là do mở rộng xuất khẩu tại Trung Quốc và Nhật Bản và Hàn Quốc. Cụ thể, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc chiếm tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% so với 2021. Năm nay, ngành xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.
Năm 2023, ngành đặt mục tiêu tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5 - 5,5%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%. Trồng rừng tập trung 245.000ha, trồng 140 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 22 triệu m3, thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 13-1, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản dự kiến đến hết quí 2-2023, ngành gỗ mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiều giải pháp được đề ra cụ thể như nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành thông qua việc sử dụng chủ yếu nguồn nguyên liệu nội địa trong hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp kinh doanh gỗ cần áp dụng công nghệ khoa học và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, phát thải duy trì ở mức thấp.
Đồng thời, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với địa phương xây dựng khu công nghiệp chế biến tập trung, kết nối mạng lưới thị trường thông qua việc tổ chức hoạt động thương mại, hội chợ.
Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch trồng rừng đi đôi với chế biến. Hiệp hội cũng kiến nghị đến cơ quan liên quan về xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện giải ngân vay vốn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phía Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam… kịp thời hỗ trợ công tác thông tin, giải pháp về phòng vệ thương mại. Kết nối giao thương cho các doanh nghiệp gỗ, bảo đảm phát triển ổn định bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thơi, tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.