Năm 2024- 2025, Hà Nội ưu tiên trồng xạ đen và đông trùng hạ thảo

Xạ đen và đông trùng hạ thảo là 2 trong 16 cây dược liệu mà thành phố Hà Nội xác định ưu tiên trồng, phát triển theo tiêu chuẩn GMPWHO. Mục tiêu là sản xuất những sản phẩm có chất lượng, an toàn và có thể cạnh tranh trên thị trường.

Cây xạ đen là 1 trong trong 16 cây dược liệu mà thành phố Hà Nội xác định ưu tiên trồng. (Ảnh minh họa)
Cây xạ đen là 1 trong trong 16 cây dược liệu mà thành phố Hà Nội xác định ưu tiên trồng. (Ảnh minh họa)

Ngày 4-6, UBND thành phố Hà Nội đã công bố kế hoạch phát triển cây dược liệu trong năm 2024-2025 trên địa bàn thành phố. Kế hoạch này tập trung vào việc phát triển và nuôi trồng các loại cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao, đồng thời tập trung sản xuất trên địa bàn thành phố. Sẽ có các biện pháp mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung và thúc đẩy chuỗi liên kết, xây dựng, duy trì, và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu. Các nỗ lực cũng sẽ được đầu tư vào việc phát triển nuôi trồng dược liệu sử dụng công nghệ cao và dược liệu hữu cơ, cùng với hỗ trợ cho việc chuyển đổi số,…

Đồng thời, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các loại cây dược liệu: Cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện thâm canh của người dân tại địa phương; Cây có giá trị kinh tế cao, thị trường có nhu cầu tiêu thụ, có các doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm và là các loại dược liệu có thể xuất khẩu trong tương lai; Cây thuốc có tầm nhìn là sản phẩm chính để phát triển nuôi trồng cho giai đoạn tới. Cụ thể, thành phố sẽ ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu: trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo.

Thành phố sẽ tiến hành đào tạo chuyên sâu và cấp giấy chứng nhận cho cán bộ quản lý và cán bộ Khuyến nông tại cấp tỉnh, huyện về "Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu" theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO). Trung bình mỗi năm sẽ tổ chức 03 lớp, với 30 người mỗi lớp.

Nội dung đào tạo sẽ tập trung vào việc áp dụng thực hành tốt trong việc trồng trọt và thu hái dược liệu theo các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao để sản xuất thuốc.

Ngoài ra, sẽ tiến hành đào tạo về kỹ thuật sản xuất và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuẩn GACP-WHO cho người sản xuất. Trung bình mỗi năm sẽ tổ chức 20 lớp, mỗi lớp kéo dài 3 ngày, với 50 người mỗi lớp. Nội dung đào tạo sẽ tập trung vào các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu; cách phòng trừ các bệnh thường gặp; kiến thức về việc liên kết sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị; và các tiêu chuẩn cơ bản của GACP, Organic, cùng các phương pháp quản lý sản xuất cho hộ gia đình.

Các khóa đào tạo sẽ được thực hiện tại từng Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, do các chuyên gia tư vấn hoặc chuyên viên có kinh nghiệm thực hiện.

Cùng với đó, Thành phố cũng chỉ đạo Hỗ trợ lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các diện tích trồng cây dược liệu chuyên canh tập trung. Hỗ trợ thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến. Xây dựng và triển khai các đề tài khoa học công nghệ về nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống; quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh hại từ nguồn gen cây thuốc quý, lợi thế ở địa phương và nhập nội nguồn gen, giống cây dược liệu tiên tiến.

Thực hiện rà soát, xác định, xây dựng chi tiết vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loài dược liệu ở từng địa bàn xã, gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Đồng thời chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị; chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới tại địa phương...

Từng bước triển khai nuôi trồng và thu hái dược liệu theo nguyên tắc GACP-WHO, đồng thời thực hành sản xuất và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GMP-WHO, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Kế hoạch phát triển cây dược liệu của thành phố Hà Nội với mục đich là đa dạng hóa nguồn nguyên liệu y tế và tăng cường giá trị kinh tế từ việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ các loại cây dược liệu. Qua việc ưu tiên trồng và phát triển các loại cây dược liệu có giá trị cao, thành phố Hà Nội hy vọng tạo ra một nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua việc xây dựng các chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm dược liệu cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cây dược liệu tại Hà Nội.