Nâng chất, tăng giá trị
Đến nay, thị trường EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam; EU cũng là một trong 3 thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong 4 nước khu vực châu Á ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA). Vì vậy, cơ hội để khai thác thị trường EU rất lớn.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỷ trọng một số ngành hàng của Việt Nam trong việc khai thác thị trường này vẫn thấp. Đáng chú ý, Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường này phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc…; với sản phẩm cà phê, tiêu và điều, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn bởi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Bờ Biển Ngà, Mozambique; hàng thuỷ sản thì phải cạnh tranh với Na Uy, Trung Quốc, Ecuador, Maroc.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, EU hiện cũng đã định hình được các đối tác làm ăn lâu dài nên xuất khẩu của Việt Nam sang đây chững lại. Do đó, để khai thác tối đa được xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần đẩy mạnh liên kết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện cho xuất khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và phát triển thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho rằng, khó khăn đối với việc xuất khẩu nông sản, trái cây hiện nay đó là việc bảo quản. Như với trái cây, hiện thời gian bảo quản được cỡ 2 tuần, mua về có thời gian sử dụng ít nhất 3 ngày nhưng hàng hoá xuất khẩu đưa lên quầy kệ chỉ sau 2-3 ngày là đã hư hỏng. Trong khi đó, hàng hóa phải đủ tươi, đẹp khi tới người tiêu dùng, thì họ mới mua.
Do đó, việc tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản để sản phẩm nông nghiệp được lưu giữ lâu hơn là vấn đề sống còn. Bên cạnh đó là vấn đề quảng bá, tiếp thị, doanh nghiệp không thể tự làm mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng.
Tìm hiểu về quy định của các nước nhập khẩu
Để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, các Bộ, ngành cần nắm bắt thông tin, khẩn trương thống nhất phương án triển khai đáp ứng các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện hoạt động tuyên truyền, giải đáp đến các doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thực tế triển khai cho thấy, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra những quy định mới về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là khi gắn các yêu cầu kỹ thuật với các yêu cầu về thủ tục và hồ sơ, khi ấy nhiều bất cập sẽ xuất hiện do sự thiếu sẵn sàng của hệ thống quản lý của bên nhập khẩu.
Ví dụ như sự thiếu đồng bộ trong cách thức phê duyệt chứng thư tại các cảng hải quan khác nhau của khu vực EU, sự thiếu hoàn thiện trong hệ thống quản lý doanh nghiệp trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...
Đây là những thách thức đối với cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp. Do đó, việc đối thoại với cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu nhằm tháo gỡ vướng mắc là vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy, cần tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Mặt khác, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về hàng rào kỹ thuật về TBT (TBT), các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (SPS) của các quốc gia nhập khẩu. Thông tin kịp thời sự thay đổi trong các quy định về an toàn thực phẩm của các nước tới doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới.
Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
“Điều này sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Hoài Anh