Nâng cao chất lượng rau Việt xuất khẩu tại thị trường EU

Nhằm đánh giá tổng quan về xuất khẩu nông sản, rau quả nói chung sang các thị trường, trong đó có thị trường EU, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Liên minh Châu Âu” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng hơn 30%. Quy định thủ tục đối với sản phẩm thực vật của EU theo hướng hậu kiểm, khác với quy định một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cải thiện, có khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường….

Được biết, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới, trị giá 135 tỷ Euro/năm, chiếm 45% giá trị thương mại mặt hàng rau quả toàn cầu. Các nước EU đang trong quá trình phục hồi rất mạnh mẽ. Sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm của người dân EU sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, lượng rau quả EU nhập khẩu từ Việt Nam mới chiếm một lượng rất nhỏ, chưa tới 1% lượng rau quả nhập khẩu từ thị trường này. Cơ cấu kinh tế và nhu cầu nhập khẩu giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ cho nhau. Các nước EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu rau quả sang EU còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, diện tích vùng nguyên liệu sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ còn ít. Công tác bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ hàng kiểm tra không đạt yêu cầu MRL còn cao. Thiết kế bao bì, đóng gói, mẫu mã, vật liệu bao gói chưa phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu dùng EU.

Mặt khác, chi phí logistics quá cao, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU còn khiêm tốn, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp… Các chương trình quảng bá, xây dựng thương hiệu rau quả tại thị trường EU còn rời rạc và khá mờ nhạt.

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nguyên nhân do Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có FTA với EU. Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất nhiều loại rau quả vào EU giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, rau quả Việt chiếm chưa tới 1% thị phần tại EU và mới nằm tại các cửa hàng của chủ doanh nghiệp gốc Á chứ chưa có mặt nhiều ở các hệ thống phân phối lớn tại các siêu thị EU. Khẳng định, dư địa thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Tuy nhiên, cách thức nào để tăng tốc trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, ba trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng, trong đó thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh. Do vậy, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU cần được xây dựng tổng thể và toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Bộ trưởng khẳng định, phải thay đổi tư duy theo hướng “muốn đi nhanh đi một mình, đi xa phải đi cùng nhau”, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hiệp hội để cùng quảng bá cho thương hiệu rau quả và nông sản của quốc gia.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, chúng ta đang thiếu chiến lược tổng thể xuất khẩu rau quả sang thị trường EU khi nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Khẳng định biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới (bây giờ tiêu dùng xanh) đang là những yếu tố dẫn dắt thị trường xuất khẩu. Do đó, ông Lê Minh Hoan đề nghị, cần chiến lược tổng thể xuất khẩu rau quả sang thị trường EU. Trong đó, cần sự vào cuộc của các bộ ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan thương vụ nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu và cả người nông dân. Hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản Việt không chỉ tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn môi trường, tiêu dùng xanh. Có như vậy mới có thể xuất khẩu bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Italia - cho biết, Italia là thị trường nhập khẩu hoa quả khá lớn song tỷ trọng của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1%. Mặt hàng rau quả của Việt Nam đã được biết đến nhưng rất ít. Để xuất khẩu được trái cây vào Italia nói riêng, thị trường EU nói chung cần làm thế nào để trái cây Việt được biết đến nhiều hơn EU. Công tác quảng bá còn nhiều việc phải làm.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Séc Thái Xuân Dũng cũng cho rằng, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm rau quả xuất khẩu vào thị trường Séc nói riêng cũng như EU nói chung; cần tìm cách kéo giảm chi phí xuống. Bên cạnh đó, rau quả chế biến sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn, cần đầu tư công nghệ thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Hoài Nam (t/h)