Nâng cao chất lượng vùng chè nguyên liệu

Thái Nguyên là một trong những vùng chè trọng điểm của cả nước. Nhờ chú trọng công tác chuyển đổi giống nên năng suất và chất lượng chè ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nguyên liệu an toàn, hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc chè Thái Nguyên được bảo hộ tại những thị trường lớn đã khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện rất thuận lợi để đưa sản phẩm trà chất lượng cao của Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế “Đệ nhất danh Trà”. Tuy nhiên đó cũng là thách thức lớn với ngành chè, bởi những thị trường nói trên nổi tiếng khắt khe với những yêu cầu đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Thái Nguyên là một trong những vùng chè trong điểm
Thái Nguyên là một trong những vùng chè trong điểm

Là nông sản có lợi thế đặc biệt và nổi tiếng của tỉnh, chè Thái Nguyên dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng chè. So với thời điểm cách đây 4 năm, khi chè Thái Nguyên mới được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở ba quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, chè Thái Nguyên đã có bước tiến dài về chất lượng cũng như giá trị thương hiệu. Việc sản xuất, chế biến chè đã dần cập đến những yêu cầu đòi hỏi của thị trường thế giới.

Theo thống kê, tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện có là 22.444 ha, diện tích chè cho sản phẩm là 20.564 ha; trong đó có 6.813 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn chiếm 34,5% tổng diện tích chè cho sản phẩm. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; có 13 công ty, doanh nghiệp, 27 hợp tác xã, 114 hộ sản xuất kinh doanh đăng ký sử dụng nhãn hiệu; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Lâu nay, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà” với sản phẩm chè búp khô nổi tiếng bởi hương thơm đượm, vị ngọt hậu đặc trưng. Để danh xưng “Đệ nhất danh trà” xứng với tên tuổi, người làm chè ở Tân Cương đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp để nâng cao giá trị sản phẩm. Một trong số đó là sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Mô hình sản xuất chè hữu cơ ngày càng phổ biến tại Thái Nguyên
Mô hình sản xuất chè hữu cơ ngày càng phổ biến tại Thái Nguyên

Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, nhiều gia đình trên địa bàn đã tham gia mô hình trồng chè theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 1.000m2. Đây là mô hình do Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên phối hợp với Công ty CP Hoàng Anh Agritech (Vĩnh Phúc) triển khai từ năm 2021.

Canh tác theo phương pháp này, các hộ gia đình đã chuyển toàn bộ sang dùng phân bón hữu cơ để chăm sóc cho cây chè. Nhờ được hướng dẫn kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm chè được cải thiện rõ rệt.

Theo số liệu thống kê, với 350ha chè trên địa bàn, đến nay, xã Tân Cương có khoảng 35-40% diện tích đã và đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Kỹ sư Ma Thị Thúy Phương, Thanh tra Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên, thông tin: Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như của tỉnh, việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là định hướng chung của toàn ngành để hướng đến một nền nông nghiệp an toàn và bền vững. 

Trước xu hướng chuyển đổi sang nền “nông nghiệp xanh”, sản xuất hữu cơ là điều tất yếu khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao. Qua đó, có thể thấy sự thay đổi phương thức sản xuất của người làm chè Tân Cương nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung đang là hướng đi đúng, từng bước đưa sản phẩm của vùng đất "Đệ nhất danh trà" bay xa trên trường quốc tế.

Hoàng Anh