Thái Nguyên vốn được xem như “thủ phủ” chè của miền Bắc với nhiều hoạt động lớn như: Festival Trà, Lễ hội chè, văn hóa chè… Sản phẩm chè tại đây được đưa tới khắp mọi miền cả nước, xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay diện tích chè của Thái Nguyên đạt 22.300 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 20.000 ha, năng suất đạt trên 118 tạ/ha với sản lượng 235.000 tấn chè/năm. Trong đó có trên 5.500 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn.
Đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có 24.000 ha chè, trong đó 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 100% sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng.
Bởi vậy, Thái Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” cả về số lượng và chất lượng, theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Chỉ tính riêng chè đã có hàng trăm doanh nghiệp/HTX tham gia, mỗi đơn vị có thể đóng góp vài ba, thậm chí hàng chục sản phẩm.
Việc phát triển đề án OCOP đã được đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh Thái Nguyên từ năm 2019. Theo đó nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu OCOP Thái Nguyên là phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong tổ chức sản xuất, giúp tăng cường các hoạt động liên kết sản xuất - tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản cũng như các sản phẩm từ vùng nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nông nghiệp - Nông thôn.
Để phát triển đề án OCOP giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống trung tâm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp tỉnh và huyện.
Theo dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án OCOP của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 là hơn 700 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hơn 70 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, vốn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng...
Thành quả bước đầu, cuối năm 2019 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2734/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2019. Theo đó, có 25 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2019. Các sản phẩm đều đạt điểm trung bình từ 6,2 - 8,9; trong đó, có 13 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Đáng chú ý, trong 25 sản phẩm được xếp hạng có tới 23 sản phẩm là trà - sản phẩm đặc sản của địa phương. Có thể thấy, những gì OCOP Thái Nguyên đang làm được ghi nhận, tích lũy từ thành công trong chỉ đạo, thực hiện những chủ trương táo bạo trong thúc đẩy ứng dụng KHCN, sản xuất gắn liền chuỗi giá trị, CNH-HĐH Nông nghiệp nông thôn, xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê - Phó phòng quản lý thương mại (Sở Công thương Thái Nguyên) chia sẻ: “Qua đợt này, cho thấy các sản phẩm có lợi thế trong cạnh tranh cũng như có tiềm năng xuất khẩu lớn, đặc biệt phải kể đến các sản phẩm chủ lực và là thế mạnh của tỉnh có nguồn gốc từ Chè. Tuy nhiên để đạt được tiêu chí tiêu chuẩn xếp hạng thứ cao về chất lượng OCOP thì các đơn vị phải không ngừng phấn đấu để hoàn thiện sản phẩm thì mới đáp ứng được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp trên toàn tỉnh.”
Sơn Thủy - Xuân Sỹ