Theo Dược điển Việt Nam V, cafein - thành phần chính trong cà phê có tác dụng kích thích hoạt động của não với hệ thần kinh trung ương giúp tăng cường sự tỉnh táo, ngăn ngừa mệt mỏi. Khi được hấp thụ vào cơ thể, cafein nhanh chóng đi vào máu, rồi từ đó vào não. Trong não, cafein hoạt động bằng cách chặn adenosine - một hoạt chất gây buồn ngủ. Khi các adenosine bị ức chế, sự tỉnh táo tăng lên giúp cải thiện sự tập trung lẫn năng suất làm việc. Điều này giải thích tại sao chúng ta thường cảm thấy tỉnh táo sau khi uống cà phê. Do vậy, việc chọn đúng thời điểm uống cà phê sẽ giúp bạn tận dụng tối đa tác dụng của nó mà không gây ra bất cứ tác động tiêu cực.
Để hiểu rõ thời điểm tốt nhất để uống cà phê, chúng ta cần phải xem xét nhịp sinh học của cơ thể con người. Nhịp sinh học là chu kỳ 24 giờ điều chỉnh các hoạt động sinh lý như giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể và mức năng lượng. Thời gian lý tưởng để uống cà phê buổi sáng là từ 9:30 đến 11:30. Đây là khoảng thời gian mà mức cortisol - một loại hormone giúp điều chỉnh năng lượng bắt đầu giảm sau đỉnh điểm buổi sáng và cơ thể có thể tận dụng cafein tốt hơn để tăng cường sự tỉnh táo. Nếu bạn cần thêm một tách cà phê vào buổi chiều để duy trì sự tỉnh táo, thì thời điểm tốt nhất là từ 1:30 đến 3:00 chiều. Đây là lúc mức cortisol đã giảm sau giờ ăn trưa và cafein sẽ giúp bạn duy trì năng lượng mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ ban đêm.
Uống cà phê sau 3:00 chiều có thể gây ra vấn đề với giấc ngủ của bạn. Một nghiên cứu từ Đại học Wayne State đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ cafein trong vòng 6 giờ trước khi đi ngủ có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, làm tăng thời gian thức giấc giữa đêm và khiến giấc ngủ trở nên không đủ sâu.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tận hưởng lợi ích từ cà phê mà không gặp tác dụng phụ. Một số người nhạy cảm hơn với cafein. Ngay cả một lượng nhỏ cafein cũng có thể khiến họ cảm thấy lo lắng, hồi hộp hoặc gặp vấn đề với giấc ngủ. Ngoài ra, những người mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch hoặc huyết áp cần hạn chế tiêu thụ cafein vì nó có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp. Với phụ nữ mang thai, họ được khuyến cáo rằng chỉ nên giới hạn tiêu thụ cafein dưới 200 mg mỗi ngày, tương đương khoảng 1 tách cà phê. Mức tiêu thụ cafein cao có thể dẫn đến nguy cơ sinh non và các biến chứng thai kỳ khác.
Uống cà phê khi bụng rỗng cũng có thể làm tăng acid dạ dày, gây ra cảm giác khó chịu. Bạn nên kết hợp cà phê với một bữa ăn nhẹ hoặc một phần nhỏ protein và chất béo để giảm thiểu tác động tiêu cực lên dạ dày. Mặc dù thêm đường và sữa làm cà phê ngon hơn nhưng chúng có thể làm giảm lợi ích sức khỏe của cà phê. Nghiên cứu từ Viện Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì. Nếu bạn yêu thích hương vị của cà phê nhưng không muốn gặp tác dụng phụ của cafein thì cà phê không cafein là một lựa chọn tốt. Điều này cho phép bạn thưởng thức cà phê mà không lo ngại ảnh hưởng đến giấc ngủ hay gây lo lắng.
Thời điểm tốt nhất để uống cà phê phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và mức độ tỉnh táo cần thiết trong ngày. Uống cà phê vào những thời điểm khi mức cortisol trong cơ thể thấp sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích của cafein, tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Nếu bạn uống cà phê đúng cách và đúng thời điểm, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, tràn đầy năng lượng và còn có thể tận hưởng những lợi ích lâu dài mà cà phê mang lại cho sức khỏe.